Chủ Nhật, 18 tháng 12, 2011

Bài tham khảo

BA BIẾN ĐỘNG LỚN CỦA THẾ GIỚI TRONG NĂM 2011
NGUYỄN MINH HẢI
(Trên cơ sở sự đúc kết của bác Vũ Hắc Bồng tại buổi nói chuyện thời sự ngày 15-12-2011)

Năm 2011, thế giới có nhiều biến động, từ thiên tai khủng khiếp cho đến hàng loạt sự sụp đổ của các nước Ả rập hay việc Osama Bin Laden bị tiêu diệt đến vụ thảm sát kinh hoàng ở Oslo hoặc nhiều vụ vỡ nợ ở các nước châu Âu đến cuộc biểu tình “chiếm Phố Wall”... Trong đó nổi lên 3 vấn đề lớn là thiên tai, khủng hoảng nợ công và “mùa xuân Ả rập”.

Thiên tai ở Nhật Bản
Trận động đất và sóng thần Tohoku 8,9 độ richter diễn ra ngày 11-3 ở vùng Đông Bắc Nhật Bản không chỉ thiệt hại rất lớn về người và của mà còn tạo ra một hệ lụy phức tạp là xử lý vấn đề rò rỉ phóng xạ từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima bị hư hại nặng trong động đất. Có 15.840 người thiệt mạng, 5.950 người bị thương và 3.642 người mất tích tại 18 tỉnh và hơn 125.000 công trình nhà ở bị hư hại hoặc phá hủy hoàn toàn.
Thảm họa kép này một lần nữa đã thể hiện tinh thần Nhật Bản tuyệt vời: không xảy ra tình trạng mất an ninh; không có dịch bệnh; kỷ luật, pháp luật vẫn được giữ nghiêm; sự giúp đỡ lẫn nhau của người dân Nhật thật đáng khâm phục. Sau thiên tai chỉ vài tháng, thế giới lại kinh ngạc về khả năng khôi phục phi thường của người Nhật. Mọi hoạt động kinh tế trong nước trở lại bình thường rất nhanh; nhân dân vùng bị thiệt hại nhanh chóng bắt tay vào công cuộc tái thiết; nỗ lực ngăn ngừa thảm họa hạt nhân được tập trung tối đa... Một điểm đáng chú ý nữa là đã có sự giúp đỡ lớn lao, nhiệt thành của thế giới đối với nhân dân Nhật Bản: 128 quốc gia và 33 tổ chức quốc tế đã cung cấp hỗ trợ cho Nhật. Ngay ở Việt Nam, dù số tiền ủng hộ không phải là lớn lắm nhưng trong cả nước, tinh thần giúp đỡ Nhật Bản lên rất cao, có lẽ sánh ngang với thái độ ủng hộ đối với nhân dân Liên Xô năm 1988 sau vụ động đất ở Armenia.
Tuy nhiên, từ vụ thiên tai này, vấn đề giải quyết nhu cầu năng lượng một cách an toàn của thế giới lại đặt ra cấp thiết hơn bao giờ hết. Nhiều nước đã xem xét lại các công trình, dự án điện hạt nhân, kể cả những nước có trình độ khoa học – công nghệ hàng đầu thế giới. Nhân loại phải ra sức tìm kiếm loại năng lượng mới để thay thế năng lượng nguyên tử, với các tiêu chí là an toàn, hiệu quả, bảo vệ môi trường.
Những tháng cuối năm, ở Thái Lan xảy ra trận lụt lịch sử làm thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế, nhất là đối nông nghiệp. Những vụ thiên tai này cho thấy khả năng con người vẫn còn rất nhiều hạn chế trong việc dự báo và phòng tránh nguy cơ xảy ra và mức độ ảnh hưởng của thiên tai.

Khủng hoảng nợ công châu Âu
Khủng hoảng kinh tế – tài chính khởi nguồn từ Mỹ vào năm 2007 dẫn đến sụp đổ hàng loạt định chế tài chính. Từ đó, cuộc khủng hoảng này lan rộng ra toàn cầu, trong đó có tình trạng “đói tín dụng” xảy ra ở nhiều nước, ảnh hưởng nghiêm trọng tới khu vực sản xuất thực, ngay ở những nước phát triển.
Vì vậy, từ cuối năm 2009, lo ngại về một cuộc khủng hoảng nợ quốc gia gia tăng giữa các nhà đầu tư liên quan đến một số nước châu Âu, mối lo sợ này tăng lên vào đầu năm 2010. Các quốc gia có đề về nợ công trong khu vực châu Âu phần nhiều là thành viên EU là Hy Lạp, Ireland, Ý, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha... Trong EU, nhất là ở các nước nơi các khoản nợ công đã tăng mạnh do kế hoạch giải cứu ngân hàng, khủng hoảng niềm tin đã nổi lên với việc mở rộng lây lan lãi suất trái phiếu và bảo hiểm rủi ro giao dịch hoán đổi tín dụng mặc định giữa các nước này và các nước thành viên EU khác, nhất là Đức.
Khủng hoảng nợ công châu Âu bùng nổ đầu tiên tại Hy Lạp vào đầu năm 2010 khi chi phí cho các khoản nợ chính phủ liên tục tăng lên. Lãi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 2 năm của nước này liên tục tăng cao từ 3,47% vào tháng 1-2010 lên 9,73% tháng 7-2010 rồi nhảy vọt lên 26,65%/năm một năm sau đó. Cuộc khủng hoảng tiếp tục lan sang Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha rồi Ý trong khu vực đồng euro. Một số nước khác như Pháp hay Síp cũng có nhiều nguy cơ.
Lo ngại sự lây lan, ngày 2-5-2010, các nước thành viên Eurozone và IMF đã thông qua khoản vay 110 tỷ euro cho Hy Lạp, với điều kiện nước này phải thực thi các biện pháp thắt lưng buộc bụng. Ngày 9-5-2010, các nước lại tiếp tục thông qua gói giải cứu trị giá 750 tỷ euro nhằm đảm bảo sự ổn định tài chính ở khu vực châu Âu, đồng thời lập ra Ủy ban Ổn định tài chính châu Âu. Đến tháng 11-2010, tiếp tục có gói cứu trợ trị giá 85 tỷ euro cho Ireland và 78 tỷ euro cho Bồ Đào Nha vào tháng 5-2011. Cuộc khủng hoảng nợ công đã đe dọa sự tồn tại của đồng euro, gây ảnh hưởng nền tài chính toàn cầu, đồng thời cũng làm bất ổn chính trị các nước, nhất là ở Hy Lạp và Ý, khi thủ tướng các nước này phải từ chức.
Có thể nói, cuộc khủng hoảng này có sự tác động dây chuyền từ hệ thống đồng USD trong cuộc khủng hoảng tài chính những năm trước. Các nhà phân tích cho rằng có một số nguyên nhân sâu xa dẫn đến tình trạng này. Đó là do bản chất và sự tham lam vô độ của CNTB, lợi nhuận trước mắt được đặt lên hàng đầu, bất kể những rủi ro sau đó. Đó là sự lãnh đạo yếu kém của chính phủ một số nước đối với nền kinh tế, khi có dấu hiệu khủng hoảng đã không có biện pháp ngăn chặn hiệu quả, kịp thời. Đó là sự lệ thuộc quá nhiều vào nhau, nhất là lệ thuộc sâu đậm vào nền kinh tế Mỹ, khiến sự tự chủ bị hạn chế... Những điều đó cho thấy quan hệ sản xuất CNTB hiện có quá nhiều khiếm khuyết, bất ổn, thực tế không còn phù hợp với sự phát triển của lực lượng sản xuất. Trong khi đó, kiến trúc thượng tầng (nhất là nhà nước) có nhiều hạn chế (như ở Ý, chính phủ nước này mà đứng đầu là Thủ tướng Berlusconi mất uy tín nghiêm trọng nên chỉ thường xuyên phải đối phó với sự bất tín nhiệm của nghị viện mà không có khả năng đưa ra những quyết sách đúng đắn).
Tình trạng này có thể còn kéo dài trong thời gian tới. Trước mắt, ở một số nước là tình trạng suy giảm kinh tế nhưng nếu không được ngăn chặn kịp thời thì sẽ dẫn đến bất ổn chính trị. Mà trong bối cảnh hiện nay, sự lây lan là rất khó kiểm soát.

Sự sụp đổ của một số nước Ả rập
Những bất ổn chính trị ở một số nước khối Ả rập dẫn đến sụp đổ nhiều chính thể được gọi là “mùa xuân Ả rập”. Đó được coi là làn sóng cách mạng với các cuộc nổi dậy, diễu hành và biểu tình phản đối chưa từng có trong lịch sử các quốc gia này. Thế nhưng điều đó đã xảy ra và dường như chưa có hồi kết.
Khởi đầu là Tunisia vào cuối năm 2010 khi biểu tình bùng phát sau hàng loạt bất ổn từ sau cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 10-2009 mà đỉnh điểm là vụ tự thiêu của một thanh niên để phản đối việc bị cảnh sát ngược đãi. Bạo động diễn ra nhanh chóng sau đó, khiến Tổng thống nước này là Zine El Abidine Ben Ali phải từ chức. Tiếp đến là Algeria, Ai Cập, Yemen, Jordan, Mauritania, Saudi Arabia, Oman, Sudan, Syria, Iraq, Libya và Morocco với tính chất và mức độ khác nhau.
Trong đó, ngoài Tunisia, ở Ai Cập, Libya và Yemen, chính thể cầm quyền bị sụp đổ. Tại Ai Cập, tổng thống Hosni Mubarak cuối cùng phải từ chức sau nhiều lần đàm phán bất thành và hiện đang đối mặt với nhiều cáo buộc dù tình trạng sức khỏe rất kém. Tại Libya, Tổng thống Muammur Gaddafi dù tỏ ra rất cứng rắn với làn sóng biểu tình cũng như sự nổi dậy vũ trang của các lực lượng đối lập, cuối cùng đã thất thủ, phải chạy khỏi thủ đô Tripoli trước khi bị phe nổi dậy bắt sống và giết chết ngay sau đó. Tại Yemen, biểu tình cũng dẫn đến bạo động vũ trang khiến Tổng thống Ali Abdullah Saleh buộc phải chuyển giao quyền lực. Ông Ali Abdullah Saleh là tổng thống thứ tư ra đi trong phong trào mùa xuân Ả rập và là tổng thống đầu tiên ra đi thông qua thỏa thuận đàm phán.
Ở các nước khác, tình hình bất ổn vẫn diễn ra và khó tiên đoán được sẽ kết thúc vào lúc nào và với kết cục ra sao.
Mùa xuân Ả rập có những đặc điểm chung đáng chú ý là, đều ở những nước có nền kinh tế khá phát triển, có đường lối đối ngoại khá mềm dẻo; về nguyên nhân, đều xuất phát từ tình trạng mất dân chủ nghiêm trọng, nạn tham nhũng tràn lan, nạn thất nghiệp, tệ nạn xã hội trầm trọng, nghèo đói diễn ra trên diện rộng, hệ thống an sinh xã hội bị xem nhẹ, thông tin truyền thông bị cấm đoán, xung đột tôn giáo, sắc tộc ở mức sâu sắc... Bên cạnh đó, có hai vấn đề đáng kể nữa là ở nhiều nước, những người cầm quyền tại vị trong thời gian quá dài: ông Gaddafi là 42 năm, ông Saleh là 33 năm, ông Mubarak là 30 năm, ông Ben Ali là 24 năm... Và, gần như có sự nhúng tay của các thế lực nước ngoài, nhất là phương Tây, vào các cuộc bất ổn. Rõ ràng nhất là việc NATO tổ chức cấm bay và tiếp đó liên tục không kích vào Libya, tạo điều kiện rất thuận lợi cho quân nổi dậy đánh chiếm lần lượt các thành phố và cuối cùng đẩy tập đoàn Gaddafi bật khỏi thủ đô trước khi bị tiêu diệt.
*
Nhìn chung, thế giới năm 2011 có nhiều biến động phức tạp. Một số sự kiện chính trị ở một nước luôn có tác động, ảnh hưởng đến nhiều nước, nhiều khu vực, thậm chí toàn thế giới. Có tính chất kéo dài và lây lan, các biến động trong năm 2011 sẽ còn tiếp diễn trong năm 2012 với nhiều diễn biến phức tạp, khó lường.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét