Thứ Tư, 14 tháng 12, 2011

Bài tham khảo

VŨ KHÍ” TRUYỀN THÔNG CỦA TRUNG QUỐC – TRƯỜNG HỢP TỜ HOÀN CẦU THỜI BÁO

NGUYỄN MINH HẢI

Dư luận Việt Nam và các nước Đông Nam Á gần đây quan tâm tới nhiều bài báo mang tính chất dân tộc chủ nghĩa, thậm chí hiếu chiến, trên tờ Hoàn Cầu Thời báo của Trung Quốc. Theo BBC, mới đây, tạp chí Foreign Policy có bài của tác giả Christina Larson tựa đề Kênh Fox News của Trung Quốc nói về tờ báo này, ví nó với kênh truyền hình cũng bị coi là bảo thủ và khá “diều hâu” của Mỹ.
Vài nét về Hoàn Cầu Thời báo
Nhật báo Hoàn Cầu Thời báo (Huanqiu Shibao) là cơ quan thuộc Nhân dân Nhật báo (cơ quan thông tin của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, hiện hai tờ báo này có cùng địa chỉ) thành lập vào ngày 3-1-1993, ban đầu chỉ có tiếng Trung. Đến ngày 20-4-2009, bản tiếng Anh được phát hành với tên gọi Global Times. Bản tiếng Anh của tờ Hoàn Cầu có hai phụ trang địa phương, Metro Beijing (tháng 9-2009, tại Bắc Kinh) và Metro Shanghai (tháng 4-2010, tại Thượng Hải) để cung cấp thêm thông tin cho độc giả. Đúng như tên gọi, tờ báo tập trung chủ yếu vào các vấn đề quốc tế. Tờ báo có hơn 350 phóng viên, thông tín viên tại hơn 90 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hiện giá bán của Hoàn Cầu khá rẻ: 0,9 NDT (khoảng 2.000 VNĐ) đối với đăng ký dài hạn và 1,2 NDT đối với bán lẻ (hơn 2.500 VNĐ).
Hoàn Cầu Thời báo nhắm tới đối tượng bạn đọc là giới trẻ, công chức, quản lý doanh nghiệp và các chuyên gia (chiếm tới 89%), cho thấy độc giả của tờ báo nói chung có học vấn cao, thu nhập cao. Ngoài ra, Hoàn Cầu Thời báo cung cấp 100.000 bản trên một số chuyến bay trong nước và quốc tế. Độc giả đã đặt cho tờ báo danh hiệu "tờ báo tin tức thể hiện uy tín quốc gia", 79% độc giả ở độ tuổi 22 – 44 (trình độ đại học hoặc cao hơn). Nếu tính về lượng độc giả thì Hoàn Cầu Thời báo là tờ đứng thứ thứ ba Trung Quốc, với 2,4 triệu người đọc báo in mỗi ngày. Báo điện tử có tới 10 triệu độc giả. Các nhà phân tích tỏ ra nghi ngờ con số này (wikipedia cho hay có khoảng 1,5 triệu bản tiếng Trung và 100.000 bản tiếng Anh), dù vậy vẫn thừa nhận nó vẫn cao hơn đa số các báo ở phương Tây, chẳng hạn so với tờ Washington Post mỗi ngày chỉ có nửa triệu bản.
Thành công của Hoàn Cầu một phần nhờ vào các thay đổi về chính sách báo chí của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Tờ báo tập trung tuyên truyền cho vị thế ngày càng cao của Trung Quốc trên thế giới.
Tổng Biên tập hiện nay của Hoàn Cầu là Hồ Tích Tiến, xuất thân từ phóng viên chiến trường, có sở trường viết xã luận nên gần như luôn trực tiếp biên tập các bài xã luận, bình luận. Ông Hồ, sinh năm 1960, học về đối ngoại quốc phòng ở Nam Kinh và có bằng thạc sĩ văn học Nga ở đại học Bắc Kinh, được BBC mô tả là “để tóc dài, gầy gò và năng động”. Trang cá nhân của ông Hồ trên mạng Weibo (tương tự mạng Twitter), có tới 1,4 triệu người theo dõi.
Thông tin sai lệch có hệ thống của Hoàn Cầu Thời báo
Bản tiếng Trung của Hoàn Cầu Thời báo được cho là thường ủng hộ mạnh mẽ hệ thống chính trị và chính quyền trong nước và rất có sức hút với những độc giả có tư tưởng dân tộc chủ nghĩa. Trong khi đó, bản tiếng Anh được mô tả là có cách tiếp cận vấn đề tế nhị hơn. Hoàn Cầu gây sự chú ý rộng rãi của các phương tiện truyền thông quốc tế, được các hãng thông tấn AP, Reuters, AFP, Kyodo News dịch và phân phối, được các tờ báo hàng đầu thế giới đăng lại. Hiện Hoàn Cầu Thời báo có 5 trung tâm phân phối tại Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu, Tây AnVũ Hán.
Trong khi một bộ phận người đọc trong nước ngày càng hướng ngoại thì Hoàn Cầu lại càng đăng nhiều bài đả kích thái độ của các nước ngoài đối với Bắc Kinh. Chúng ta có thể đọc qua các tiêu đề: Tấn công Trung Quốc thành xu hướng thời thượng ở Washington, Ấn Độ và Việt Nam ký hợp đồng nhằm khiêu khích Trung Quốc... để thấy rằng tờ báo này đang nhằm vào tâm lý muốn khơi dậy sự tự tôn, thậm chí chủ nghĩa dân tộc cực đoan của người dân. Hoàn Cầu nhiều lần kêu gọi Bắc Kinh có thái độ cứng rắn tại biển Đông, thậm chí sẵn sàng sử dụng vũ lực đối với các bên liên quan.
Chẳng hạn, bài báo bằng tiếng Trung được đăng ngày 27-9-2011 và sau đó dịch sang tiếng Anh sau đó đã xuất hiện và lan tỏa trên mạng internet. Xã luận mang tựa đề Thời cơ tốt để có hành động quân sự tại Nam Hải của tác giả Long Tao, một chuyên gia từ Ủy hội Quỹ tài chính về Năng lượng Trung Quốc. Bài viết có đoạn: "Tôi cảm thấy trong cuộc chiến trên biển Nam Trung Hoa (tức biển Đông), chúng ta cần thu hẹp phạm vi tấn công và tập trung vào những nước đang ra vẻ ta đây nhất hiện nay, Philippines và Việt Nam”. Long Thao kêu gọi: “Giết những con gà để dọa bầy khỉ" (!).
Trong bài bình luận ngày 25-10, Hoàn Cầu tiếp tục cảnh báo Việt Nam và Philippines cần “chuẩn bị tâm lý để nghe tiếng đại bác” nếu như còn tiếp tục đối chọi với Trung Quốc. Bài viết nói các nước láng giềng đang lợi dụng “lập trường ngoại giao ôn hòa” (sic) của Trung Quốc để thúc đẩy lợi ích của mình ở biển Đông. “Hiện nay, quan điểm chính thống của Trung Quốc là trước tiên cần phải thông qua các kênh đàm phán để giải quyết tranh chấp trên biển. Tuy nhiên, nếu tình hình trở nên tồi tệ, thì hành động quân sự là cần thiết”. (...) "Nếu các nước kia không muốn thay đổi cách tiếp cận với Trung Quốc, thì họ phải chuẩn bị tâm lý để nghe tiếng đạn đại bác. Chúng ta cần chuẩn bị sẵn sàng, vì có thể đây là cách thức duy nhất để giải quyết tranh chấp trên biển", bài bình luận viết. Thái độ và lời lẽ đó của Hoàn Cầu thật khó để người ta hiểu rằng đất nước mà tờ báo này đại diện có thể có “lập trường ngoại giao ôn hòa” thực sự.
Trước đó, liên quan đến các vụ cắt cáp Bình Minh (Việt Nam) của tàu hải giám Trung Quốc, Hoàn Cầu Thời báo đã đưa bài bình luận với những lời lẽ không chính đáng, mang tính chất đe dọa về vấn đề biển Đông. Bài báo này đã đưa ra một câu bình luận khá cứng rắn về quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc trong mối tranh chấp trên biển Đông như là "Hà Nội đang đưa hai nước quay lại con đường đọ sức giữa 'cứng rắn và cứng rắn'". Ngày 23-6-2011, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam (lúc đó) Nguyễn Phương Nga khẳng định, những lời lẽ thiếu thiện chí này không thể đại diện cho nhân dân Trung Quốc. “Một số tờ báo của Trung Quốc, trong đó có tờ Hoàn Cầu Thời báo, đã đưa ra những bình luận, những nhận xét thiếu thiện chí, không phù hợp với quan hệ giữa hai nước và không có lợi cho việc phát triển quan hệ giữa hai nước, làm cho tình hình thêm phức tạp... Lập trường của Việt Nam đã được khẳng định rất rõ ràng. Việt Nam chủ trương giải quyết mọi vấn đề, trong đó có vấn đề về biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, thông qua đối thoại và trên cơ sở luật pháp quốc tế. Hoàn Cầu Thời báo còn đưa ra những bình luận thiếu thiện chí, không đúng sự thật và những điều này hoàn toàn không có lợi mà còn gây ảnh hưởng tiêu cực tới mối quan hệ giữa hai nước, gây những tổn thương về tình cảm cho nhân dân Việt Nam. Tôi nghĩ rằng Hoàn Cầu Thời báo cũng chỉ là tiếng nói của một nhóm người nhất định chứ không phải đại diện cho đông đảo nhân dân Trung Quốc. Tôi nghĩ rằng nhân dân Trung Quốc cũng như là nhân dân trong khu vực và trên thế giới không thể chia sẻ và đồng tình với những bình luận thiếu thiện chí như vậy của Hoàn Cầu Thời báo. Tôi tin rằng những bình luận thiếu thiện chí của tờ Hoàn Cầu Thời báo đã không đáp ứng lợi ích và nguyện vọng của nhân dân hai nước".

Một “vũ khí” truyền thông lợi hại của Trung Quốc
Jeremy Goldkorn, chuyên gia về truyền thông Trung Quốc và sáng lập viên của mạng Danwei.org, cho rằng Hoàn Cầu Thời báo đã thành công trong việc kết nối cái gọi là “giáo dục tinh thần yêu nước” và việc kiếm tiền trong lúc chính phủ không còn bao cấp nữa. Thời gian gần đây, nhiều cơ quan truyền thông đã phải thương mại hóa bằng các cách thức khác nhau. Có tờ phải quay sang tin tức về đời tư các ngôi sao để bán báo và bán quảng cáo. Thế nhưng, Hoàn Cầu chọn con đường dân tộc chủ nghĩa để tăng lượng độc giả. Cũng bởi vậy mà tờ báo này được chú ý không phải vì các bản tin, mà nhờ các bài xã luận đanh thép, nhiều khi hung hăng “như tiếng đại bác”.
Một trong các chủ đề hay được đề cập là phanh phui nạn tham nhũng ở ngay chính Trung Quốc. Tháng 4-2011, báo đăng bài đả phá thói ăn tiêu xa hoa của một quan chức lãnh đạo tập đoàn dầu lửa nhà nước Sinopec. Hoàn Cầu đã điều tra việc Tổng giám đốc chi nhánh Quảng Đông của Sinopec, ông Lư Quản Vũ, bị cáo buộc mua 480 chai rượu Mao Đài và 696 chai rượu vang tổng trị giá 243.604 USD̃ để “dùng riêng”. Hoàn Cầu Thời báo đã đánh trúng tâm lý số đông, vừa quan tâm các sự kiện quốc tế, vừa bức xúc về các tệ nạn trong nước, và vô hình trung đã thu hút thêm độc giả. Việc đó ít nhiều tạo nên hình ảnh “cởi mở”, “dân chủ” ở Trung Quốc.
Đáng kể nhất là tờ báo này thường xuyên chỉ trích Hoa Kỳ. Thí dụ, trong khi các báo khen ngợi về việc Phó Tổng thống Joe Biden đi ăn tối tại một quán mì bình dân, hay tác phong giản dị của tân Đại sứ Gary Locke, thì Hoàn Cầu phân tích: "Để bảo đảm an ninh cho ông Biden ở quán mì ven đường còn tốn kém gấp nhiều lần so với ăn ở nhà khách chính phủ". Hay trong số ngày 30-10-2011, báo có bài của Long Thao, Mỹ không có bụng dạ đâu cho việc đụng độ quân sự tại Nam Hải (biển Đông), phân tích rằng Hoa Kỳ nay đã không còn đủ sức lực và ý chí để tham gia xung đột vũ trang.
Ông Michael Anti, một chuyên gia và các vấn đề Trung Quốc và quốc tế, nhận định: "Tôi nghĩ lập trường của Hoàn Cầu Thời báo chỉ là làm sao để kiếm tiền. Chủ nghĩa dân tộc là con bài chính của tờ báo".
Từ những sự kiện đó có thể thấy, Trung Quốc đang sử dụng truyền thông như một thứ vũ khí lợi hại trong việc đánh bóng hình ảnh của Đảng và nhà nước đối với nhân dân trong nước, đồng thời gián tiếp công kích, đe dọa các nước khác trong tranh chấp với nước này. Ở trường hợp Hoàn Cầu Thời báo, tinh thần dân tộc (có màu sắc sô vanh, cực đoan) được đề cao bằng những thông tin và bình luận sai lệch, một chiều. Trước mắt, điều này có thể giành những lợi thế đáng kể cho Bắc Kinh nhưng về lâu dài khi sự thật được phơi bày, e rằng “lợi bất cập hại”!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét