Thứ Năm, 20 tháng 10, 2011

Bài tham khảo

VỀ CHÍNH SÁCH CỘNG SẢN THỜI CHIẾN VÀ CHÍNH SÁCH KINH TẾ MỚI CỦA LENIN
NGUYỄN MINH HẢI  

            Theo wikipedia, trong cuộc thăm dò dư luận tiến hành vào năm 2007 – 2008, Trung tâm Phân tích Yuri Levada (Nga), 57% số người dân Nga được hỏi ý kiến cho rằng Cách mạng tháng Mười Nga đã đem lại lợi ích cho nhân dân Nga; 26% tin rằng cách mạng đã mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử nước Nga; 31% cho rằng Cách mạng đem đến sự nhảy vọt cho nền kinh tế và xã hội Nga. Ngày 11-4-2009, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev đã ký đạo luật Liên bang khôi phục ngày lễ kỷ niệm Cách mạng tháng Mười Nga từ năm 2010; luật này sau đó được Duma Quốc gia (Hạ viện) và Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga thông qua ngày 27-3 và 1-4-2009. Vai trò của Cách mạng tháng Mười thể hiện rõ vì nó ra đời một nhà nước vô sản và nhà nước nó đã tồn tại được qua những giai đoạn lịch sử rất khó khăn, phức tạp. Có hai chính sách kinh tế có ý nghĩa to lớn trong việc duy trì nhà nước đó, đó là “chính sách cộng sản thời chiến” và “chính sách kinh tế mới”.
           
            Sự can thiệp của các đế quốc sau Cách mạng tháng Mười
            Cách mạng tháng Mười thành công ảnh hưởng đến quyền lợi của rất nhiều giai cấp, giai tầng trong xã hội Nga. Lực lượng chống đối Đảng Bolshevik đầu tiên là những quý tộc, sĩ quan cũ trong quân đội Nga hoàng, do bị tước tất cả các đặc quyền giai cấp, ruộng đất... Kế đó là Giáo hội Nga do bị tịch thu tài sản, hạn chế nhiều nghi thức nhà thờ, cũng như bị tước các uy quyền dưới thời Sa hoàng. Bên cạnh đó, một bộ phận công nhân (nhất là công nhân công nghiệp nhẹ và thợ thủ công) và nông dân (nhất là trung nông và nông dân có đạo) bị phái Menshevik tuyên truyền, lợi dụng. Ngoài ra, còn có các dân tộc vốn bị đế quốc Nga áp, vốn muốn đứng ra thành lập nhà nước của riêng trong lòng nước Nga.
            Lực lượng cuối cùng là các thế lực nước ngoài nước Nga nằm trong âm mưu tiêu diệt nhà nước vô sản đầu tiên trên thế giới, hòng chia cắt nước Nga thành các vùng phụ thuộc. Từ cuối năm 1917, các cường quốc trong phe Hiệp ước đã có kế hoạch: Pháp tấn công và lật đổ chính quyền Xô viết ở Ukraine, Krym, Bessarabia; Anh tấn công và lật đổ chính quyền Xô viết ở phía bắc Nga, ở vùng sông Đông, Kuban, Kavkaz; Mỹ và Nhật tấn công ở vùng Viễn Đông và Siberia… Các nước này không công nhận chính quyền Xô viết, lấy cớ Nga rút ra khỏi chiến tranh để phối hợp với các lực lượng chống đối trong nước, hòng lật đổ chính quyền Xô viết. Tháng 3-1918, quân Anh, Pháp, Mỹ chiếm Murmansk, Arkhangelsk và tiến về hướng Moskva, Petrograd. Tháng 4, quân Nhật đổ bộ lên Vladivostok, trước khi quân viễn chinh Mỹ, Anh, Pháp, Ý đặt chân lên đó. Chính quyền Xô viết ở đây bị lật đổ; quân Bạch vệ lần lượt kiểm soát nhiều thành phố. Tháng 8-1918 quân Anh, Pháp đánh chiếm các thành phố cảng Odessa và Sevastopol; tháng 11-1917, Romania chiếm Bessarabia; tháng 5, quân đoàn Tiệp Khắc nổi loạn ở vùng sông Volgar và Siberia. Phía Tây Nam, các nước đế quốc giúp sức các thế lực chống chính quyền Bolshevik ở Azerbaidjan, Armenia nổi loạn. Trong khi đó, quân Đức xâm nhập vùng ngoại Kavkaz, vùng sông Đông, Krym, rồi chiếm Ukraine, dựng lên chính phủ thân Đức.
            Nước Nga Xô viết bấy giờ ở trong một tình huống cực kì khó khăn và nguy hiểm. Khoảng 14 vạn quân của 11 nước đế quốc và chư hầu (về sau tăng lên tới 30 vạn), cùng khoảng 1 triệu quân Bạch vệ có lúc chiếm khoảng 3/4 lãnh thổ Nga, trong đó có những trung tâm nguyên liệu, nhiên liệu và lương thực. Nền kinh tế rơi vào tình trạng bế tắc: các nhà máy phải đóng cửa vì thiếu nguyên liệu và nhiên liệu, giao thông bị đình trệ, nhân dân lâm vào cảnh đói rét và bệnh tật…
            Trong khi đó, trong nội bộ Đảng, sự chia rẽ, phân hóa diễn ra rất phức tạp. Nhóm “những người cộng sản cánh tả” và bọn Trotkist cho rằng cách mạng XHCN không thể thành công ở phạm vi một nước, rằng chỉ có thể giữ nền chuyên chính vô sản và những thành quả của cuộc Cách mạng XHCN tháng Mười với điều kiện cách mạng XHCN thế giới thắng lợi, mà cuộc cách mạng này cần được “thúc đẩy” bằng một cuộc chiến tranh với chủ nghĩa đế quốc thế giới[1]. Tình hình “thù trong giặc ngoài” đó có nguy cơ xóa sổ thành quả Cách mạng tháng Mười.
             
            Chính sách cộng sản thời chiến
            Trước tình hình đó, tại Đại hội bất thường lần VII của Đảng Cộng sản Nga (b) từ 6 – 8-3-1918, Lenin và các đồng chí đã đấu tranh quyết liệt với các quan điểm sai trái, nhờ đó tạo được sự đoàn kết, nhất trí trong Đảng.
            Sau Đại hội, để tập trung toàn lực chống ngoại xâm và nội loạn, Lenin nêu khẩu hiệu: "Tất cả cho tiêu diệt kẻ thù" và thi hành chính sách "cộng sản thời chiến", bắt đầu từ tháng 6-1918. Chính sách này bao gồm các nội dung chủ yếu: trưng thu lương thực thừa của nông dân, nhà nước độc quyền mua bán lương thực để cung cấp cho thành thị và quân đội; nhà nước độc quyền về ngoại thương và kiểm soát việc sản xuất, phân phối sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; quốc hữu hóa những xí nghiệp vừa và nhỏ; cấm doanh nghiệp tư nhân; cấm buôn bán trao đổi sản phẩm ở trên thị trường, nhất là lương thực, thực hiện chế độ tem phiếu, trực tiếp phân phối bằng hiện vật cho người tiêu dùng; xóa bỏ ngân hàng nhà nước; kỷ luật nghiêm đối với người lao động, đặt chế độ lao động cưỡng bức áp dụng cho "tầng lớp không lao động" với nguyên tắc "không làm thì không ăn"; quản lý đường sắt theo dạng quân sự.
            Nhờ đó, nước Nga viết có lương thực để cung cấp cho quân đội và nhân dân. Từ giữa năm 1919, các lực lượng Bạch vệ bắt đầu bị đánh bại và thúc đẩy sự vùng dậy mạnh mẽ của Hồng quân, tiến tới đẩy lui hoàn toàn các thế lực đế quốc can thiệp nước ngoài vào cuối năm đó. Đến năm 1920, Hồng quân giành những thắng lợi cơ bản trước bọn Bạch vệ và kết thúc cuộc chiến ngay trong năm này.
            Khi đánh giá về chính sách đó, Lenin nói: Trong điều kiện chiến tranh mà chúng ta đã lâm vào thì về cơ bản chính sách đó là đúng. Bắt đầu từ sáng kiến vĩ đại của công nhân đường sắt và sau đó được công nhân cả nước hưởng ứng, khí thế lao động của quần chúng được lên cao: "Ngày thứ bảy lao động cộng sản chủ nghĩa" được thực hiện trên toàn nước Nga[2].
            “Chính sách cộng sản thời chiến" hoàn toàn không phải là một chính sách kinh tế tất yếu của thời kỳ quá độ lên CNXH, mà chỉ là một chính sách tạm thời, mang tính ứng phó trong một hoàn cảnh cụ thể hết sức ngặt nghèo của nước Nga Xô viết. Do đó, việc kéo dài thực hiện chính sách đó, trong điều kiện chiến tranh, sức sản xuất bị giảm sút, tạo ra sự cách biệt lớn (thậm chí là mâu thuẫn) giữa thành thị và nông thôn, đã làm cho nền kinh tế nước Nga lâm vào tình trạng khủng hoảng trầm trọng: tổng sản lượng nông nghiệp năm 1920 giảm còn 1/2 so với năm 1913; đại công nghiệp còn 1/7; ngành giao thông vận tải bị tê liệt vì thiếu than, thiếu phương tiện; thiên tai và tình trạng mất mùa đã diễn ra, nhân dân nhiều nơi bị thiếu đói...
            Về mặt xã hội, nhiều nông dân từ chối hợp tác sản xuất lương thực; công nhân bắt đầu di cư từ thành phố xuống nông thôn (những năm 1918 – 1920, Petrograd giảm 75% dân số, Moskva giảm 50%...). Thị trường chợ đen xuất hiện bất chấp sự nghiêm khắc của pháp luật; đồng rúp bị thay thế bằng một hệ thống trao đổi ngang giá...
            Không chỉ vậy, trong quá trình thực hiện, do nhận thức không đầy đủ, nhiều cán bộ đã làm sai chủ trương chung hoặc do lạm quyền (thu quá số lương thực cần thiết hoặc có hành vi nhũng lạm), dẫn đến bất mãn, mất niềm tin của một bộ phận người dân Nga. Cá biệt, một số nơi, nông dân đã nổi loạn, như cuộc nổi dậy Tambov hay cuộc khởi nghĩa của những thủy thủ tại Kronstadt (gần Leningrade)…
           
            Chính sách kinh tế mới (NEP)
            Sớm xác định những bất ổn của “chính sách cộng sản thời chiến”, Lenin cho kết thúc vào đầu năm 1921 và từ tháng 3-1921 (tại Đại hội X của Đảng, từ ngày 8-3 đến 16-3-1921), Nga bắt đầu thực hiện “chính sách kinh tế mới” (NEP). Nội dung cơ bản của NEP là: bãi bỏ chế độ trưng thu lương thực thừa thay vào đó là thuế lương thực; nông dân được bán lương thực thừa ra thị trường; những xí nghiệp nhỏ trước đây bị quốc hữu hóa, nay cho tư nhân thuê hay mua lại để kinh doanh tự do (chủ yếu là xí nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng); phát triển mạnh tiểu thủ công nghiệp; mở rộng trao đổi hàng hóa giữa thành thị và nông thôn, giữa công nghiệp và nông nghiệp, cho thương nhân được tự do hoạt động (chủ yếu trên lĩnh vực bán lẻ), củng cố lại lưu thông tiền tệ trong nước, phát triển kinh tế hàng hóa; phát triển nền kinh tế nhiều thành phần; thực hiện chế độ hạch toán kinh doanh trong các xí nghiệp quốc doanh…
            Cùng với việc giành quyền kiểm soát toàn bộ nước Nga, trong đó có những vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp và khai khoáng, NEP đã tạo điều kiện phát triển lực lượng sản xuất, vì nó đáp ứng được yêu cầu của các quy luật kinh tế trong thời kỳ quá độ lên CNXH là nền kinh tế hàng hóa và có nhiều thành phần. Nhờ đó, trong một thời gian ngắn, Nga đã khôi phục được nền kinh tế quốc dân bị chiến tranh tàn phá. Đến cuối năm 1922, Liên Xô[3] đã vượt qua được nạn đói và đến năm 1925, nông nghiệp đã vượt mức trước chiến tranh, cung cấp 87% sản phẩm. Ngành đại công nghiệp được phục hồi: tổng sản lượng công nghiệp năm 1925 so với năm 1913 đạt 75,5% và đến năm 1926 thì khôi phục được 100%. Kế hoạch điện khí hóa tiến hành có hiệu quả, ngành điện và cơ khí chế tạo vượt mức trước chiến tranh, nhiều xí nghiệp công nghiệp nhẹ và công nghiệp thực phẩm đã đạt và vượt mức trước chiến tranh. Thương nghiệp được mở rộng (tổng mức lưu chuyển hàng hóa trong nước năm 1926 đã bằng 2 lần năm 1924; mở rộng quan hệ buôn bán với hơn 40 nước). Từ đó, ngân sách nhà nước đã được củng cố: năm 1925 – 1926 ngân sách nhà nước tăng lên gần 5 lần so với năm 1922 – 1923[4].
            Sau khi Lenin qua đời (tháng 1-1924), NEP không được các nhà lãnh đạo Liên Xô xem trọng đúng mức. Đến cuối năm 1928, Stalin hủy bỏ chính sách này.
           
            Những bài học có giá trị lịch sử
            “Chính sách cộng sản thời chiến” và “chính sách kinh tế mới” thực sự đã để lại những bài học lịch sử quý báu, không chỉ cho nước Nga. Đó là:
            Thứ nhất, phải xác định đúng những định hướng phát triển mang tính vĩ mô trong từng giai đoạn cụ thể của đất nước. Chẳng hạn, vào thời điểm đầu năm 1918, Lenin đã vạch ra các nhiệm vụ cho nước Nga Xô viết: 1) “thuyết phục cho đa số nhân dân thấy được sự đúng đắn của cương lĩnh và sách lược (của Đảng)”; 2) “giành lấy chính quyền và đập tan sự phản kháng của bọn bóc lột”; 3) “tổ chức quản lý nước Nga”[5]. Có được lối đi đúng đắn thì mới có thể có những giải pháp phù hợp, hiệu quả.
            Thứ hai, một chính sách dù tốt, dù hay nhưng phải được áp dụng trong những hoàn cảnh và thời điểm lịch sử nhất định; trong quá trình thực hiện phải có sự kiểm tra, giảm sát, điều chỉnh. Rõ ràng, nếu để chính sách cộng thời chiến tồn tại dài hơn mà không thay bằng NEP thì hậu quả thật khó lường. Hay sự thiếu giám sát đội ngũ cán bộ thừa hành trong khi thực hiện chính sách cộng sản thời chiến cũng là nguyên nhân làm cho sự đồng thuận của nhân dân đối với chính sách này không cao.
            Thứ ba, cần có một “đầu tàu” vững vàn, kiên định, bản lĩnh trước những thử thách khắc nghiệt khi tiến hành những chính sách mới, chưa có tiền lệ. Ở Nga, vai trò đó của Lenin được thể hiện rõ nét, vừa vạch ra được một lối đúng đúng đắn, vừa kiên trì thuyết phục Trung ương Đảng, vừa kiên quyết đấu tranh với các quan điểm sai trái ngay trong nội bộ Đảng và các thế lực phá hoại. Điều này thấy rõ, khi Lenin qua đời, sự rạn nứt trong ban lãnh đạo của Đảng ngày càng lớn, các cuộc đấu tranh dẫn đến sự nắm quyền tuyệt đối của Stalin đã vô hiệu hóa NEP, khiến nền kinh tế Liên Xô chững lại trong một thời gian dài.



[1] Lời tựa trong Lenin toàn tập, tập 36, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr.8-9.
[2] Dẫn lại theo PGS.TS. Vũ Văn Phúc, Từ chính sách “cộng sản thời chiếnđến “chính sách kinh tế mới”, Tạp chí Cộng sản, số 811-2010
[3] Tháng 12-1922, Nga và các nước cộng hòa đã thống nhất trong một nhà nước liên bang XHCN, là Liên bang Cộng hòa XHCN Xô viết (Liên Xô).
[4] PGS.TS. Vũ Văn Phúc, Từ chính sách “cộng sản thời chiếnđến chính sách kinh tế mới, Tạp chí Cộng sản, Số 811-2010
[5] Lenin toàn tập, tập 36, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr.208-209.

Một trận đấu gắng sức!

Chiều nay, 20-10, kỷ niệm ngày Phụ nữ Việt Nam, lớp C2 chúng ta đã có một trận đấu bóng đá rất nỗ lực, rất đáng khen ngợi. Bị dẫn trước 0-2, tưởng chỉ có thể bị thua thêm chứ không thể nào gỡ được, nhưng nhờ sự quật khởi của toàn đội, cộng sự xuất thần của một vài cá nhân, tỉ số 2-2 làm thỏa mãn tất cả các thành viên trong đội.
60 phút quần thảo trên sân (hiệp đầu đuối quá, ai cũng trông cho hết giờ!), nhìn anh Tuấn, anh Nam, anh Vũ, anh Hải, anh Hoàng, anh Dũng, anh Đính... và cả những người "chưa tự tin lắm để ra sân" như anh Nam lớp trưởng, anh Kỳ, anh Minh, anh Dũng, anh Thái, anh Công... mới thấy tinh thần đồng đội và màu cờ sắc áo của lớp C2 chúng ta. Cổ động viên ít ỏi, lực lượng quá mỏng - đến nỗi mỗi lần kêu thay người thì bên trong lẫn bên ngoài đều phải "động viên" những người có thể vào sân được nhanh chóng tiếp sức đội nhà (mới chỉ có thể vào sân chứ chưa nói là đá tốt!). So với lực lượng đội bạn, đá như C2 chiều qua thì tinh thần đội ta thật đáng khâm phục!
Có chút tiếc nuối, mà cũng là một kỷ niệm khó quên là cú bắt bóng của pha chuyền về của anh Tuấn (phạm luật), cũng như tình huống "né bóng" bởi sợ "ảnh hưởng đến vùng trung tâm" của anh Vũ, dẫn đến bàn thua đầu tiên (chứ bàn thứ hai thì quá đẹp, không trách ai được!). Cũng như sẽ khó quên những pha ném biên sai luật... Tất cả tạo thành một trận cầu đầy kỷ niệm, rộn tiếng cười và vang tiếng động viên nhau.
Thương lắm C2 ơi! Các anh đã đổ rất nhiều mồ hôi, kể cả rướm máu, bị thương tích, nhưng đã không hề bỏ cuộc và chiến đấu đến phút cuối cùng!
Nhớ lắm C2 ơi!
Tinh thần C2 duy trì mãi nhé!

Thứ Tư, 19 tháng 10, 2011

Chủ Nhật, 16 tháng 10, 2011

Bài tập tham khảo môn Kinh tế chính trị

Phân biệt quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở nước ta trước và sau thời kỳ đổi mới

Ngày nay, sự phát triển nhảy vọt của KHCN, đặc biệt là công nghệ thông tin và công nghệ sinh học; bên cạnh đó là xu thế toàn cầu hoá kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế trên thế giới đang diễn ra nhanh chóng đã đặt các nước đang phát triển như nước ta trước nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế, nếu không tận dụng tốt những cơ hội để vươn lên. CNH, HĐH là một nhiệm vụ chiến lược để đưa nước ta phát triển nhanh và bền vững về mọi mặt, xây dựng thành công CNXH. Trước thời kỳ đổi mới, vào những năm 60, Đảng ta đã xác định CNH, HĐH là nhiệm vụ trung tâm trong suốt thời kỳ quá độ; Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng tiếp tục khẳng định: “Phát triển kinh tế, CNH, HĐH là nhiệm vụ trung tâm. Con đường CNH, HĐH của nước ta cần và có thể rút ngắn thời gian so với các nước đi trước, vừa có những bước tuần tự, vừa có bước nhảy vọt”.
Nghiên cứu quá trình CNH, HĐH trong giai đoạn hiện nay, đồng thời so sánh với trước thời kỳ đổi mới sẽ giúp chúng ta hiểu và nhận thức sâu sắc hơn quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, từ đó góp phần tích cực vào sự nghiệp CNH, HĐH đất nước trong thời gian tới.

Thứ nhất: Những điểm giống nhau về quan điểm, chủ trương thực hiện CNH, HĐH đất nước trước đổi mới và hiện nay được thể hiện là:
- Đảng ta luôn khẳng định CNH, HĐH là nhiệm vụ trung tâm trong suốt thời kỳ quá độ;
- Mục tiêu của CNH, HĐH là xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho CNXH, nâng cao đời sống vật chất, văn hoá tinh thần cho nhân dân.
Chúng ta đã biết, xã hội loài người đã và đang trãi qua 5 hình thái kinh tế xã hội, tương ứng với nó là 5 phương thức sản xuất khác nhau. Mỗi phương thức sản xuất chỉ có thể được xác lập vững chắc trên một cơ sở vật chất kỹ thuật thích ứng. Đối với CNXH, giai đoạn thấp của CNCS muốn tồn tại và phát triển cũng cần thiết phải có một nền kinh tế phát triển cao dựa trên LLSX hiện đại và chế độ công hữu về những TLSX chủ yếu. Nước ta quá độ lên CNXH với xuất phát điểm là một nước nông nghiệp lạc hậu, trình độ LLSX ở mức thấp kém, lại trãi qua hàng chục năm chiến tranh tàn phá, do đó cơ sở vật chất kỹ thuật hoàn toàn chưa thích ứng với CNXH. Để tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật cho CNXH, củng cố và hoàn thiện QHSX XHCN, đồng thời để củng cố khối liên minh công- nông- trí cần thiết phải tiến hành CNH, HĐH đất nước. Thành công của sự nghiệp CNH, HĐH chính là nhân tố quyết định thắng lợi của công cuộc xây dựng CNXH mà toàn Đảng, toàn dân ta đang thực hiện.

Thứ hai: Những điểm khác nhau trong quá trình CNH trước và sau thời kỳ đổi mới thể hiện qua một số nội dung cơ bản sau:
- Về quan điểm:
+ Trước đổi mới, chúng ta hiểu CNH một cách chưa đầy đủ, cho rằng CNH đơn giản là quá trình chuyển đổi từ lao động thủ công sang lao động máy móc; Trong giai đoạn đổi mới đất nước, vào năm 1994, Đảng ta chính thức xác định CNH, HĐH ở nước ta là: quá trình chuyển đổi căn bản, toàn diện các hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ và quản lý kinh tế, xã hội từ sử dụng sức lao động thủ công là chính sang sử dụng một cách phổ biến sức lao động với công nghệ, phương tiện và phương pháp tiên tiến, hiện đại tạo ra năng suất lao động xã hội cao.
+ Trước đổi mới, CNH ở nước ta đã đặt vấn đề theo hướng hiện đại hoá; Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, do sự phát triển vượt bậc của KHCN và dự kiến trong thời gian tới sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa do đó yêu cầu phải gắn chặt HĐH với CNH đã được đặt ra và ngày càng trở nên bức bách hơn.
+ CNH, HĐH trước đổi mới được thực hiện theo cơ chế tập trung, quan liêu, bao cấp; Hiện nay, thực hiện theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước, xem thị trường là yếu tố quan trọng góp phần trong việc phân bổ các nguồn lực cho sản xuất, trong việc hình thành cơ cấu kinh tế, xác định mục tiêu, bước đi, biện pháp tiến hành CNH, HĐH.
Do CNH, HĐH trước đổi mới được thực hiện theo cơ chế tập trung, quan liêu, bao cấp, vì vậy nó được xem là công việc của nhà nước, nhà nước chỉ đạo các DNQD và kinh tế tập thể thực hiện là chủ yếu; Trong giai đoạn hiện nay, CNH, HĐH được xác định là sự nghiệp của toàn dân, tất cả các thành phần kinh tế đều tham gia, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Đây là quan điểm hoàn toàn đúng đắn của Đảng ta vì sự tồn tại của các thành phần kinh tế trong thời kỳ quá độ lên CNXH là một tất yếu khách quan, dẫn đến quá trình CNH, HĐH cũng phải do các thành phần kinh tế cùng tham gia thực hiện. Tính tất yếu đó là do: trong thời kỳ quá độ lên CNXH, trình độ LLSX, cơ sở vật chất kỹ thuật cho CNXH còn thấp kém, không thể ngay lập tức làm cho LLSX phát triển đến mức cần thiết để xác lập nền kinh tế dựa trên chế độ công hữu mà đòi hỏi phải xác lập QHSX XHCN từ thấp đến cao cho phù hợp với trình độ phát triển hiện tại của LLSX; mà do LLSX phát triển chưa đồng đều trong các ngành nghề, lĩnh vực nên tương ứng với mỗi trình độ phát triển đó là các hình thức sở hữu khác nhau về TLSX và các kiểu QHSX khác nhau, từ đó tất yếu sẽ có nhiều thành phần kinh tế khác nhau. Ngoài ra, sự tồn tại nhiều thành phần kinh tế còn do chế độ xã hội cũ để lại, trong điều kiện chế độ xã hội mới, chúng vẫn mặc nhiên tồn tại.
+ CNH, HĐH trong thời kỳ trước đổi mới chưa chú trọng đến hiệu quả kinh tế, nhà nước giao chỉ tiêu kế hoạch sản xuất cho các đơn vị kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể, đồng thời bao tiêu sản phẩm làm ra, do đó không phát huy được tính chủ động, sáng tạo của doanh nghiệp, sản phẩm đạt chất lượng chưa cao; bên cạnh đó, nhà nước chỉ chú trọng đầu tư xây dựng các xí nghiệp quy mô lớn mà chưa chú ý đến tính hiệu quả trong sản xuất. Trong giai đoạn hiện nay, thực hiện CNH, HĐH phải: “Lấy hiệu quả kinh tế - xã hội làm tiêu chuẩn cơ bản để xác định phương án phát triển, lựa chọn dự án đầu tư và công nghệ. Đầu tư chiều sâu để khai thác tối đa năng lực sản xuất hiện có. Trong phát triển mới, ưu tiên quy mô vừa và nhỏ, công nghệ tiên tiến, tạo nhiều việc làm, thu hồi vốn nhanh; đồng thời xây dựng một số công trình quy mô lớn thật cần thiết và có hiệu quả”- (Văn kiện ĐH VIII của Đảng, tr 85).
+ CNH, HĐH trước đổi mới thực hiện trong mô hình kinh tế kế hoạch hoá tập trung, khép kín, hoặc chỉ quan hệ với các nước trong hệ thống XHCN, đây là mô hình phù hợp trong thời kỳ chống Mỹ-cứu nước; hHện nay, CNH, HĐH được thực hiện trong mô hình kinh tế thị trường định hướng XHCN, do đó cần thiết phải mở rộng quan hệ hợp tác theo xu thế quốc tế hoá, hội nhập kinh tế thế giới, cụ thể là: “CNH, HĐH phải bảo đảm xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, trước hết là độc lập tự chủ về đường lối, chính sách, đồng thời có tiềm lực kinh tế đủ mạnh. Xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ phải đi đôi với chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, mở rộng và nâng cao hiệu quả kinh tế đối ngoại, kết hợp nội lực với ngoại lực thành nguồn lực tổng hợp để phát triển đất nước” – (Văn kiên ĐH IX của Đảng, tr 25).
+ Trước đổi mới, khi đất nước còn chiến tranh, nhiệm vụ phát triển kinh tế nhằm để phục vụ cho nhiệm vụ hàng đầu là giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, do đó CNH, HĐH trong giai đoạn này cũng không nằm ngoài mục tiêu đó. Hiện nay, chúng ta xác định: kết hợp chặt chẽ và toàn diện phát triển kinh tế với củng cố, tăng cường nền quốc phòng- an ninh của đất nước, vì vậy thực hiện CNH, HĐH phải đảm bảo đi đôi với giữ vững quốc phòng- an ninh đất nước.

- Về mục tiêu của CNH, HĐH: Mục tiêu dài hạn của quá trình CNH, HĐH trước đổi mới và hiện nay là giống nhau, tuy nhiên đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Đảng ta cụ thể thêm mục tiêu trung hạn, đó là: đến năm 2020 ra sức phấn đấu đưa nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp.

- Về nội dung CNH, HĐH:
+ Trong những năm từ 1960 - 1981, chúng ta chủ trương CNH phải đi từ công nghiệp nặng và vấn đề ưu tiên phát triển công nghiệp nặng được nâng thành bản chất cốt lõi của CNH, HĐH đất nước do đó đã tập trung đầu tư cho các ngành kinh tế mũi nhọn lúc này là cơ khí, luyện kim và năng lượng (chủ yếu là thuỷ điện) mà chưa chú ý đến đầu tư cho công nghiệp nhẹ và đặc biệt là nông nghiệp, trong khi tiền đề vật chất cần thiết chưa được tạo ra, cũng như hoàn cảnh chiến tranh và hậu quả của cuộc chiến tranh chưa cho phép. Đến năm 1982, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 5 của Đảng đã xác định phải ưu tiên phát triển nông nghiệp, coi nông nghiệp là mặt trận hàng đầu, đồng thời đẩy mạnh sản xuất hàng tiêu dùng và tiếp tục xây dựng một số ngành công nghiệp nặng quan trọng; tuy nhiên do không đề ra được các chính sách, giải pháp cụ thể, đồng bộ để phát triển nông nghiệp, vì vậy CNH, HĐH vẫn chủ yếu tập trung vào ngành công nghiệp nặng, chưa chú trọng đến việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế cho phù hợp.
+ Trong giai đoạn hiện nay, nội dung cơ bản của CNH, HĐH được xác định là: đặc biệt coi trọng CNH, HĐH nông nghiệp và nông thôn, phát triển toàn diện nông, lâm, ngư nghiệp gắn với công nghiệp chế biến nông, lâm thuỷ sản; phát triển công nghiệp theo hướng ưu tiên phát triển các ngành chế biến lương thực - thực phẩm, sản xuất hàng tiêu dùng, hàng xuất khẩu, công nghiệp điện tử và công nghệ thông tin; xây dựng có chọn lọc một số cơ sở công nghiệp nặng như dầu khí, luyện kim, cơ khí chế tạo, hoá chất cơ bản, phân bón, vật liệu xây dựng… với bước đi hợp lý, phù hợp với điều kiện về vốn, công nghệ, thị trường, đồng thời phát huy được hiệu quả; mở rộng thương nghiệp, du lịch, dịch vụ; đẩy mạnh các hoạt động kinh tế đối ngoại, coi xuất khẩu là hướng ưu tiên và là trọng điểm của kinh tế đối ngoại. Từ những nội dung đó, chúng ta dễ dàng thấy được CNH, HĐH trong giai đoạn hiện nay đã có sự khác biệt nhiều so với trước thời kỳ đổi mới. Từ tập trung ưu tiên cho phát triển công nghiệp nặng nay đã chú ý đến phát triển công nghiệp nhẹ, xem CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của CNH, HĐH đất nước; điều này là hoàn toàn phù hợp bởi vì nước ta vẫn là một nước nông nghiệp với 75% dân số sống ở nông thôn, phát triển kinh tế nông thôn sẽ góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế và ổn định chính trị đất nước. Từ chỗ chỉ tập trung phát triển công nghiệp nặng với một số ít ngành công nghiệp mũi nhọn nay đã chú ý đến cơ cấu kinh tế ngành, thành phần kinh tế và phát triển hợp lý các vùng, lãnh thổ; chú ý phát triển các ngành công nghiệp năng lượng, vật liệu, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin và tự động hoá. Từ mô hình kinh tế nhập khẩu nay đã chuyển sang mô hình hướng mạnh xuất khẩu là chính…

Ngoài những khác biệt trên, trong quá trình CNH, HĐH hiện nay ở nước ta đòi hỏi phải không ngừng xây dựng và phát triển những tiền đề sau:
- Phải huy động và sử dụng có hiệu quả cao mọi nguồn vốn trong và ngoài nước, trong đó nguồn vốn trong nước là quyết định, nguồn vốn nước ngoài là quan trọng.
- Phải tạo được nguồn nhân lực đáp ứng với yêu cầu của sự nghiệp CNH, HĐH trong thời kỳ mới. Để thực hiện được điều đó đòi hỏi phải chú trọng đến công tác giáo dục- đào tạo, bố trí sử dụng đúng người, đúng việc.
- Xây dựng tiềm lực khoa học và công nghệ thích ứng với đòi hỏi của nhiệm vụ CNH, HĐH.
- Có đường lối kinh tế đối ngoại đúng đắn, đạt hiệu quả kinh tế cao, kết hợp được sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại, giữ vững độc lập chủ quyền dân tộc, xây dựng thành công CNXH, bảo vệ vững chắc TQ.
Thực tế CNH, HĐH nổi lên một số tình hình: Đi tắt đón đầu hay là bãi thải công nghiệp (máy móc lạc hậu nhập về ồ ạt, cả công nghệ sinh học); phát triển kinh tế gắn với công bằng xã hội, phát triển văn hóa… song tình trạng vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa (kinh tế, VH-XH). Nguyên nhân do nhận thức; nhiều chủ trương chưa được thực hiện tốt; ỵéu kém về năng lực trong nhập máy móc thiết bị (cả tiêu cực); cơ chế chính sách chưa đầy đủ, kịp thời, nhất là đất đai, khoa học công nghệ, tín dụng, thị trường; việc tổng kết thực tiễn chậm; công tác nghiên cứu, ứng dụng, triển khai KHCN chưa được quan tâm…

Tóm lại, CNH, HĐH đã được Đảng ta xác định là nhiệm vụ trung tâm trong suốt thời kỳ quá độ. Thời kỳ quá độ là lâu dài, với nhiều chạng đường đầy khó khăn, phức tạp, do đó trong quá trình thực hiện CNH, HĐH, bên cạnh những kết quả tích cực đạt được chắc chắn cũng sẽ có lúc gặp trở ngại hoặc sai lầm, dẫn đến hiệu quả không cao; điều quan trọng là phải biết khắc phục những yếu kém, khuyết điểm đó, tranh thủ tốt thời cơ để vươn lên. Từ những thành tựu đạt được qua 20 năm đổi mới, từ những kết quả đạt được trong những năm tiến hành CNH, HĐH theo tinh thần nghị quyết Đại hội VIII của Đảng; chúng ta có quyền tự hào và tin tưởng vào đường lối lãnh đạo đất nước của Đảng, tin tưởng sự nghiệp CNH, HĐH đất nước nhất định sẽ thắng lợi, CNXH nhất định sẽ thành công.

Tự sự

Bác Hồ đã dạy: Học chủ nghĩa Mác - Lênin là để chúng ta yêu thương nhau hơn. Lời dạy đó thật thấm thía!
Lớp đã bước sang tuần thứ bảy. Sáu tuần học cùng với nhau, trừ vài người, phần đông còn lại vẫn chưa nhớ hết mặt và tên của nhau. Nhiều khi chỉ thấy "quen quen", chắc là học lớp mình, hoặc biết chắc là người cùng lớp nhưng vẫn chưa biết tên và không biết công tác ở đâu, người tỉnh nào. Điều đó cũng bình thường thôi mà! Vì ngồi theo sơ đồ, ở theo phòng, chỉ biết quanh quẩn ở "khu vực" của mình hoặc theo nhóm của mình. Thích ai thì chơi với người đó. Còn chưa có điều kiện biết để mà thích thì chưa chơi với nhau...
Nên chắc hẳn trong lớp có bạn có hoàn cảnh éo le trong cuộc sống hôn nhân, có bạn đi học mà canh cánh chuyện gia đình, có bạn hồi hộp lo cho vợ đến ngày sinh khi bà xã đang mang thai đến tháng thứ tám, có bạn do thay đổi môi trường, khẩu vị nên sụt ký trầm trọng, có bạn còn nặng gánh kinh tế - đời sống gia đình nên ngồi trong lớp mà đầu óc để ở nhà, có bạn còn con nhỏ, để với gia đình mà không yên tâm, có người còn luận văn còn đang làm dang dở, có người lo học xong về không biết sẽ được phân công công tác ở đâu... Thậm chí, một người còn có nhiều mối lo. Chẳng hạn, ngoài nỗi lo riêng còn có nỗi lo chung là bài vở, thi cử. Có những mối lo rất đời thường, có những mối lo cũng rất thầm kín, riêng tư... Mà hầu như ai cũng có nỗi lo, chẳng ít thì nhiều...
Liệu mỗi người trong lớp chúng ta có hiểu bạn mình, đồng chí mình đến đâu?
Làm sao để mọi người yêu thương nhau hơn? Sẽ chẳng thể yêu thương nhau nếu không quan tâm, hiểu nhau và chia sẻ với nhau? Sẽ chẳng thể hiểu nhau, chia sẻ với nhau khi mà mọi người... còn chưa hiểu, chưa biết nhau!
Có vài cuộc "giao lưu", phòng, nhóm, đội, đoàn (tỉnh), tổ, lớp, lớp này với lớp kia... Nhiều khi còn đặt nặng "giao lon", "giao chai". Cũng có những cuộc gặp gỡ với các thầy cô... Dù thế nào, đó là những dịp để mọi người hiểu nhau hơn, thông cảm với nhau hơn. Từ đó mà có thể chia sẻ, giúp đỡ nhau hơn. Dĩ nhiên, không chỉ trong lớp, không chỉ thời gian học cùng nhau.
Chỉ một câu: Học chủ nghĩa Mác - Lênin là để chúng ta yêu thương nhau hơn, mà học khó quá. Bởi học chủ nghĩa Mác - Lênin đã khó mà ngay cả việc chúng ta yêu thường nhau hơn lại càng khó, bởi cuộc sống hiện có quá nhiều mối lo, có quá nhiều thử thách.
Bởi vậy, xong khóa học này mà ai đó thấy rằng mình sống có tình người hơn, giàu lòng nhân ái hơn, biết thương biết ghét... thì coi như người đã có một khóa học thành công!
Chúc mọi người đều có một khóa học thành công!

Thứ Ba, 11 tháng 10, 2011

Họp chi bộ

Vậy là hôm nay lớp có buổi họp chi bộ đầu tiên. Vì tính đầu tiên nên có lẽ còn chút chưa quen, thành ra nội dung còn chưa phong phú.
- Chưa có đánh giá sơ nét hoạt động trong thời gian qua.
- Chưa chốt lại những nhiệm vụ trong tháng tới...
Dù vậy, chi bộ cũng bàn được một số hoạt động. Nhưng hình như giống một cuộc họp lớp hơn!
Đó là điều cấp ủy cần quan tâm thêm.

Hoan hô cả anh Hoàng!

Post bài về buổi tập của đội bóng đá hồi tuần trước xong, anh Hoàng comment, có ý trách sao không "khen" ảnh một tiếng! Bữa nay, xin hoan hô cả anh Hoàng trong trận đấu tập đó, và cả nhiều hoạt động thể thao khác của lớp!
Nói vậy không phải để vừa lòng anh Hoàng đâu, có điều là nhiều khi chỉ nêu đại khái thôi, không thể nhớ hết các chi tiết, các cá nhân. Hơn nữa, tôi đâu có dám đại diện cho cả lớp hay các anh chị trong ban cán sự để khen hay chê người này người kia! Nói chung là nhớ đến đâu thì nói đến đó. Chủ quan thôi!
Dù sao, qua các sinh hoạt ngoại khóa, anh chị em có điều kiện chuyện trò, trao đổi và hiểu nhau hơn. Thành ra dù không chơi được môn thể thao nào ra trò, tôi cũng ráng theo với các anh, vui là chính, thể dục là mười!
Chúc các anh chân cứng đá mềm, thi đấu tốt!

Trận đấu đầu tiên!

Chiều qua, 11-10, trận đấu bóng chuyền đầu tiên với đội lớp C11 đã kết thúc chóng vánh sau chưa đầy nửa giờ. Thua 0-2 là kết quả không khiến ai ngạc nhiên, chắc cũng không làm ai buồn!
Riêng tôi có chút áy náy. Nhiệt tình vào đấu nhưng quả thật 10 năm rồi chưa đụng đến quả bóng khiến tôi không có cảm giác bóng trong hầu hết các tình huống. Thành ra đánh... hụt liên tục! Như Lenin nói: nhiệt tình + ngu dốt = phá hoại!
Vậy mà sáng nay, trong cuộc họp chi bộ, anh Tuấn nói: biểu dương anh Hải, chạy từ cơ quan rất xa về vào đấu, ảnh tháo mắt kiếng ra, không thấy đường, đánh được có 3 trái! Quả thật, tôi đánh chỉ trúng bóng có 3 lần, 2 lần đánh không qua lưới và 1 lần ghi được điểm, trừ 1 lần phát bóng... Thành ra thấy anh Tuấn tả xông hữu đột, anh Thái đánh rớt cả mắt kiếng, anh Cường đánh (ra sân) cho bõ ghét, anh Nam chắt chiu từng quả đập... thì tôi lại thấy áy náy quá!
Nhưng mà vui là chính mà!
Hôm qua anh Tuấn có nói vui: kiểu này chỉ chờ cờ tướng của anh Hải. Xin hứa với anh Tuấn và cả lớp: nhất định sẽ thắng được... 1 trận trong giải - đánh hệ Thụy Sĩ 5 ván, chẳng lẽ không thắng được ván nào sao!
Anh em đừng trách nhé!

Thứ Sáu, 7 tháng 10, 2011

Tham khảo

Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa

Theo vi.wikipedia.org

Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là tên gọi một hệ thống kinh tế được Đảng Cộng sản Việt Nam sáng tạo và chủ trương triển khai tại Việt Nam từ thập niên 1990[1].
Cho đến nay, chính Đảng Cộng sản Việt Nam cũng thừa nhận rằng chưa có nhận thức rõ, cụ thể và đầy đủ về thế nào là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà chỉ có giải thích hạn chế và chung chung rằng, đó là một nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý chặt chẽ của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa hướng tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.[1] Nguyên nhân của tình trạng này là hệ thống kinh tế này là hoàn toàn mới, chưa có tiền lệ trong lịch sử[2] Thêm vào đó, công tác lý luận ở Việt Nam về hệ thống kinh tế này còn chưa theo kịp thực tiễn[2] Gần 20 năm theo đuổi chủ trương xây dựng hệ thống kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhưng các thể chế cho hệ thống này hoạt động vẫn chưa có đầy đủ.[2] Mãi tới hội nghị lần thứ 6 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa X, Đảng mới ra nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 30 tháng 1 năm 2008 về tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa[1]. Và, mãi tới ngày 23 tháng 9 năm 2008, Chính phủ Việt Nam mới có nghị quyết số 22/2008/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ để thực hiện nghị quyết 21-NQ/TW.

Các đặc trưng

Hệ thống kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có các đặc trưng sau[2]:
  • Là một nền kinh tế hỗn hợp, nghĩa là vừa vận hành theo cơ chế thị trường, vừa có sự điều tiết của nhà nước. Các quy luật khách quan của nền kinh tế thị trường được tôn trọng. Các thông lệ quốc tế trong quản lý và điều hành kinh tế được vận dụng một cách hợp lý. Nền kinh tế chịu sự chi phối của các quy luật kinh tế xã hội chủ nghĩa.
  • Là một nền kinh tế đa dạng các hình thức sở hữu, nhưng khu vực kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế, kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế. Đất đai thuộc sở hữu toàn dân.
  • Là nền kinh tế phát triển nhanh, hiệu quả, bền vững và chủ động hội nhập kinh tế thành công.
  • Việc phân phối được thực hiện chủ yếu theo kết quả lao động và theo hiệu quả kinh tế, đồng thời theo cả mức đóng góp vốn. Chú trọng phân phối lại qua phúc lợi xã hội. Việc phân bổ các nguồn lực vừa được tiến hành theo hướng nâng cao hiệu quả, vừa theo hướng giúp thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các địa phương. Phát triển kinh tế gắn với tiến bộ, công bằng xã hội; công bằng xã hội được chú ý trong từng bước, từng chính sách phát triển.
  • Phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường.
  • Các tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội, nghề nghiệp và nhân dân được khuyến khích tham gia vào quá trình phát triển kinh tế.

Chính sách thực hiện

Chủ trương khu vực kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa được thực hiện trong thực tế bằng việc thành lập hàng loạt các doanh nghiệp nhà nước lớn như các tập đoàn kinh tế nhà nước, các tổng công ty 90, tổng công ty 91. Tuy nhiên, hiện không ít doanh nghiệp nhà nước lớn này hoạt động không hiệu quả và/ hoặc thua lỗ triền miên.[3]

Dẫn nguồn

1.      ^ a b c Nghị quyết 21-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa X.
2.      ^ a b c d Nghị quyết 22/2008/NQ-CP của Chính phủ Việt Nam ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW.

Tham khảo

  • Nghị quyết 21-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa X.
  • Nghị quyết 22/2008/NQ-CP của Chính phủ Việt Nam ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW.

Đá bóng

Hôm qua, đội bóng đi dượt để chuẩn bị tuần sau so giày. Đội đăng ký được 16 người nhưng chiều qua chỉ có 9 người ra sân, báo hại không đủ đội hình, anh em chạy bở hơi tai! (Riêng tôi tưởng như phải nhờ anh em khiêng về dùm!)
Hơn 1 giờ quần thảo, cũng lộ ra một số "anh tài": anh Dũng (Đồng Nai) chạy rất khỏe (làm tôi khen nức nở: thấy đồng chí Dũng chạy liên tục mà tôi ngưỡng mộ quá!), anh Chu Võ Minh Hải là một tay thủ môn cừ khôi, anh Nam (Bình Dương) có những cú sút sấm sét, anh Thái nhiệt tình không kém những lần phát biểu trên lớp... Nói chung là rất vui! (anh Tuấn và anh Nam đi họp nghe công bố quyết định thành lập chi bộ về cũng hồ hởi góp mặt với anh em).
Nhưng bao nhiêu đó thì không thể "gột nên hồ"! C8 ra quân rất chuyên nghiệp: vớ cùng màu, áo của Inter Milan, tướng tá chắc nịch... Và chiều qua, C8 đã hạ đo ván C1 4-0, gần như chắc chắn giành suất đi tiếp. Khả năng C2 thắng C1 đã mong manh, lấy gì thắng được C8... Thôi thì vui là chính, phong trào là... 10!
Còn cầu lông, bóng chuyền, cờ tướng, việt dã nữa! Chẳng lẽ không có một giải khuyến khích nào sao C2?
Hỡi anh em vận động viên, cố lên nào! Tinh thần C2 là không tung cờ trắng, phải chiến đấu đến khi nào... thua thì thôi!

Một đoạn trao đổi trên lớp!

Sáng nay, 7-10, trong giờ giải lao môn Kinh tế chính trị.
Anh Tuấn: Chiều nay thầy tính cho lớp nghỉ để mấy anh chị về quê. Nhưng kẹt cái anh Hải hỏi mấy câu nên thầy phải giải đáp, thành ra chiều phải học tiếp!
Anh Nam: Bộ thầy tính vậy thiệt hả? Chiều nay tôi cũng đang muốn nghỉ đây...
Chị Sương: Kỳ này họp chi bộ phải phê bình đồng chí Hải. Trong giờ học không lo tập trung nên không hiểu bài, phải hỏi lại, làm thầy mất thời gian nói lại nguyên phần đã cho chép. Đâu có ai hỏi ngoài đồng chí Hải đâu. Mai mốt không được hỏi nữa nhé!
Anh Tuấn: Ai cũng hiểu bài hết, chỉ có mình anh Hải là không hiểu. Đề nghị anh tự xem lại nhé!
Anh Hải: Dạ em xin lỗi các anh chị. Tôi xin các đồng chí trong chi bộ thông cảm. Vì bận chép bài liên tục nên không kịp hiểu bài, thành ra mới hỏi! Xin nghiêm túc rút kinh nghiệm!

Nguồn động viên

Tự mình lập blog, không theo gợi ý hay bàn bạc của ai hết, mình muốn ghi lại những kỷ niệm với lớp C2 cũng như trao đổi những tài liệu học tập cần thiết. Cả hai mục đích đó bước đầu đạt được kết quả đáng khích lệ!
Nhưng rồi việc học dồn dập, bận túi bụi, nhiều khi không còn tâm trí để làm việc này nữa. Kể cả ý nghĩ không biết có ai đọc, có ai quan tâm không...
Vậy mà cũng có một số anh chị "nhắc nhở". Ít nhất có 2 người làm "người theo dõi". Lâu lâu cũng có người nhắc: "Anh Hải vẫn cập nhật thường xuyên chứ!" Chiều nay, ở bãi xe, một anh bạn "trách": "Sao mấy bữa rồi không thấy anh cập nhật trên blog?"
Vậy cũng là có người xem và mong tin! Điều đó là nguồn động viên lớn lao để mình tiếp tục duy trì blog.
Nhưng một con én thì không làm nên mùa xuân! Nếu các anh chị thấy vẫn nên có một cái blog riêng của lớp thì vui lòng cộng tác, hợp tác, bằng cách gửi hình ảnh, thông tin cũng như thường xuyên truy cập để comment và "trách cứ" chủ nhân!
Hi vọng đến cuối khóa, blog này sẽ làm cầu nối giao lưu tích cực giữa mọi thành viên trong lớp!
Chúc toàn thể C2 chúng ta học tập tốt, đoàn kết tốt!
Nguyễn Minh Hải