Thứ Năm, 22 tháng 9, 2011

Bài seminar

Phân biệt tiền với tư bản, sản xuất hàng hóa với sản xuất TBCN                                  

1. Tiền và tư bản
Mỗi hàng hóa là sự thống nhất của hai thuộc tính là giá trị sử dụng và giá trị. Nếu giá trị sử dụng của hàng hóa có thể nhận biết được qua giác quan, thì giá trị của hàng hóa lại chỉ nhận biết được qua giá trị trao đổi, tức là ở các hình thái giá trị. Hình thái giá trị giản đơn hay ngẫu nhiên: hàng đổi lấy hàng. Khi phân công lao động xã hội phát triển, chủng loại hàng hóa trao đổi trên thị trường nhiều hơn thì một hàng hóa có thể gặp và trao đổi với nhiều hàng hóa khác, đây là hình thái giá trị mở rộng. Khi trao đổi hàng hóa trở nên thường xuyên và phổ biến hơn, để trao đổi được thuận lợi người ta chọn một hàng hóa nào đó làm vật ngang giá chung. Có khi, người ta chọn một thứ gì đó (không nhất thiết là hàng hóa) chẳng hạn vỏ ốc, xương thú… để làm vật ngang giá chung.
Khi sản xuất và trao đổi phát triển hơn nữa, thị trường được mở rộng, người ta chọn vật ngang giá chung được cố định lại ở một hàng hóa độc tôn và phổ biến thì hình thái tiền tệ của giá trị xuất hiện, vật ngang giá chung trở thành tiền tệ. Tiền lúc đầu thường làm bằng kim loại (đồng, bạc, kẽm, vàng…), sau là giấy, polymer… Khi tiền tệ xuất hiện, thế giới hàng hóa phân hai cực: một phía là các hàng hóa thông thường, một phía là hàng hóa đóng vai trò tiền tệ. Tiền là một hình thái giá trị của hàng hóa, là sản phẩm của quá trình phát triển sản xuất và trao đổi hàng hóa, được thừa nhận là vật trung gian cho việc mua bán hàng hóa, dịch vụ. Tiền xuất hiện do kết quả của quá trình trao đổi hàng hóa, với tính chất thường xuyên và phổ biến của việc trai đổi ngày càng cao.
  Như vậy, về nguồn gốc tiền là sản vật cuối cùng của lưu thông hàng hóa, là hình thái giá trị phát triển cao nhất của hàng hóa. Về bản chất, tiền cũng là hàng hóa, nhưng là một loại hàng hóa đặc biệt. Sự đặc biệt của tiền ở chỗ nó dùng làm vật ngang giá chung cho tất cả các loại hàng hóa, đó là sự thể hiện chung của giá trị và lao động xã hội.
Tiền tệ có 5 chức năng đã được Mác nêu ra: thước đo giá trị, phương tiện lưu thông, phương tiện cất trữ, phương tiện thanh toán và tiền tệ quốc tế.
Tiền là sản phẩm của lưu thông hàng hóa, đồng thời cũng là hình thức biểu hiện đầu tiên của tư bản. Trên thị trường tư bản được biểu hiện trước hết bằng một số tiền nhất định, mặc dù không phải lúc nào tiền cũng là tư bản. Sự khác nhau của tiền và tư bản trong lưu thông hàng hóa thể hiện: tiền với tư cách là tiền trong lưu thông hàng hóa giản đơn vận động theo công thức H-T-H; hoặc: tiền với tính cách là tư bản vận động theo công thức T-H-T’.
Điểm giống nhau của tiền và tư bản là, đều cấu thành bởi hai nhân tố hàng và tiền, đều chứa đựng hai hành vi đối lập nhau là mua và bán, đều biểu hiện quan hệ kinh tế giữa người mua và người bán. Điểm khác nhau thể hiện ở:
           thứ nhất, lưu thông hàng hóa giản đơn bắt đầu bằng hành vi bán (H-T) và kết thúc bằng hành vi mua (T-H). Điểm xuất phát và kết thúc của quá trình đều là hàng hóa, tiền chỉ đóng vai trò trung gian. Ngược lại, lưu thông của tiền với tư cách là tư bản bắt đầu bằng hành vi mua (T-H) và kết thúc bằng hành vi bán (H-T’), tiền vừa là điểm xuất phát vừa là điểm kết thúc của quá trình, còn hàng hóa đóng vai trò trung gian.
   thhai, mục đích của lưu thông hàng hóa giản đơn là giá trị sử dụng nên các hàng hóa trao đổi với nhau phải có giá trị sử dụng khác nhau. Còn mục đích của lưu thông tư bản là giá trị và giá trị lớn hơn nên số tiền thu về phải lớn hơn số tiền ứng ra. Vậy với tính cách là tư bản, công thức vận động tiền là T-H-T’, trong đó: T’=T+t, t là số tiền trội hơn so với số tiền ứng ra, số tiền trội hơn đó gọi là giá trị thặng dư (m). T-H-T’ (T’=T+m) đây là công thức chung của tư bản (vì mỗi tư bản cho dù là mang hình thái cụ thể nào cũng đều là mang lại giá trị thặng dư).
   Thứ ba, trong lưu thông hàng hóa giản đơn, lưu thông chỉ là phương tiện để đạt mục đích tiêu dùng nằm ngoài lưu thông, nên sự vận động của nó có giới hạn. Nó sẽ chấm dứt ở giai đoạn thứ hai, khi T chuyển thành H. Còn mục đích của lưu thông tư bản là sự lớn lên không ngừng của giá trị, là giá trị thặng dư, nên sự vận động của nó không có giới hạn.
Như vậy, tiền và tư bản là khác nhau cơ bản ở chỗ: tiền chỉ quan hệ giữa người mua người bán trong việc trao đổi hàng hóa theo quy luật giá trị (ngang giá), quy luật cung - cầu, quy luật canh tranh; tư bản là tiền sinh ra tiền chỉ quan hệ bóc lột lao động làm thuê phần giá trị sức lao động dôi ra ngoài giá trị lao động xã hội cần thiết, chỉ quan hệ người với người trong quá trình sản xuất, sức lao động trở thành hàng hóa, quan hệ giai cấp, đấu tranh giai cấp, đấu tranh chính trị…

            2. Sản xuất hàng hóa và sản xuất TBCN
Lịch sử phát triển của xã hội loài người trải qua những hình thức sản xuất chủ yếu: sản xuất tự cung, tự cấp và sản xuất hàng hóa. Sản xuất hàng hóa với các điều kiện:
- Phải có sự phân công lao động xã hội và sự tách biệt tương đối về kinh tế của những người sản xuất hàng hóa. Do có sự phân công lao động (sự phân chia thành các ngành, các lĩnh vực sản xuất, tạo nên sự chuyên môn hóa lao động), mỗi người chỉ sản xuất một hay vài sản phẩm, nhưng nhu cầu nhiều nên người sản xuất này phải dựa vào người sản xuất khác, do đó phải trao đổi, mua bán sản phẩm của nhau.
- Phải có sự tách biệt tương đối về kinh tế của những người sản xuất hàng hóa, do lao động tư nhân độc lập và không phụ thuộc vào nhau của những người sản xuất hàng hóa. Đó là sự tách biệt do chế độ sở hữu quy định cùng sự tách biệt còn do chế độ sử dụng, sự khác nhau giữa các loại lao động có ích với tư cách là công việc của những chủ thể sản xuất độc lập, của những ngành nghề lao động khác nhau. Trong những điều kiện đó khi muốn tiêu dùng sản phẩm của nhau họ phải thông qua mua bán, trao đổi sản phẩm, dưới hình thức hàng hóa, làm cho sản xuất hàng hóa ra đời.

Dĩ nhiên, cần phân biệt hàng hóa và sản phẩm lao động. Hàng hóa là sản phẩm của lao động để thỏa mãn một nhu cầu nào đó của con người và đi vào tiêu dùng thông qua trao đổi, mua bán. Nhưng không phải bất kỳ sản phẩm lao động nào cũng là hàng hóa, mà những sản phẩm tiêu dùng không thông qua trao đổi, mua bán thì không phải là hàng hóa.

Nền sản xuất TBCN ra đời và phát triển có đặc điểm cơ bản là người sản xuất trực tiếp là những công nhân làm thuê, không phải là người sở hữu tư liệu sản xuất, còn tư liệu sản xuất thuộc nhà tư bản, sản phẩm lao động do công nhân làm thuê tạo ra thuộc về chủ sở hữu tư liệu sản xuất là nhà tư bản. Sản xuất tư bản chủ nghĩa ra đời khi có điều kiện:
- Có sự tập trung một số tiền lớn vào trong tất yếu một số ít người đủ để lập ra các xí nghiệp.
- Có một lớp người tự do, không phải là nô lệ, họ không có tư liệu sản xuất, buộc phải bán sức lao động cho nhà tư bản để kiếm sống.
Như vậy, sản xuất hàng hóa giống với sản xuất TBCN ở chỗ, đều là nền sản xuất dựa trên sự phân công lao động xã hội và có chế độ tư hữu với nhiều hình thức sở hữu độc lập tương đối của những người sản xuất hàng hóa. Còn sự khác nhau thể hiện ở:
Thứ nhất, sản xuất hàng hóa trải qua quá trình lịch sử lâu dài, tồn tại trong nhiều hình thái kinh tế - xã hội như: chiếm hữu nô lệ, phong kiến, TBCN, XHCN, trong khi sản xuất TBCN chỉ xuất hiện ở hình thái kinh tế - xã hội TBCN và thời kỳ quá độ lên CNXH.
Thứ hai, trong sản xuất hàng hóa, người trực tiếp sản xuất là người sở hữu về tư liệu sản xuất và sản phẩm làm ra thuộc về họ, trong khi đó, ở sản xuất TBCN, người trực tiếp sản xuất là công nhân làm thuê, không phải là người sở hữu về tư liệu sản xuất nên sản phẩm làm ra thuộc về nhà tư bản.
Thứ ba, mâu thuẫn của nền sản xuất hàng hóa khác so với các mâu thuẫn của sản xuất TBCN. Đó là mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất có tính xã hội hóa cao với sở hữu tư nhân tư liệu sản xuất chủ yếu, mâu thuẫn giữa giai cấp vô sản, chủ yếu là công nhân với giai cấp bóc lột, chủ yếu là tư sản.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét