Thứ Ba, 24 tháng 4, 2012

Bài viết


PHẢI CHÚ Ý RÚT NGẮN KHOẢNG CÁCH GIÀU NGHÈO

NGUYỄN MINH HẢI
Bài đã đăng báo Tuổi trẻ ngày 5-3-2012

Đám cưới “siêu khủng” ở Hà Tĩnh được nhiều người ví là đã có giá đến 25 bệnh xá cho xã vùng sâu (1 tỉ đồng/bệnh xá) , 830 căn nhà tình nghĩa (30 triệu đồng/nhà), 25.000 suất học bổng (1 triệu đồng/suất)... Trước đó, một đám cưới khác cũng đình đám bởi cả cô dâu chú rể đều thuộc hàng “hot”, còn một trong hai nhà sui cũng là một đại gia, nhưng có lẽ rình rang nhất chính là dàn “siêu xe” đón dâu. Dĩ nhiên còn nhiều hoạt động khác có chi phí quá lớn so với mức sống chung cũng có thể được so sánh tương tự. Đành rằng người ta tiêu tiền do họ có thể kiếm được một cách chính đáng nhưng rõ ràng đó là “xa xỉ giữa biển nghèo” như nhà văn Nguyễn Quang Thân đã viết (Tuổi trẻ, 3-3-2012). Liệu tiền đó có thể mang lại hạnh phúc viên mãn, khi nó trở nên quá cách biệt với cuộc sống của nhiều người dân trong nước?
Hiện nay, ở nước ta không khó để nhận ra sự chênh lệch mức sống trong các nhóm dân cư. Có một số ít người hiện rất giàu và họ sẵn sàng bỏ hàng chục tỉ đồng để sắm những phương tiện đắt tiền (máy bay, xe hơi, du thuyền…) nhưng cũng có không ít người phải chạy ăn từng bữa. Đặc biệt, với đồng bào vùng thường bị thiên tai giữ được tính mạng đã quý, còn lại gần như trắng tay. Họ có thể bắt đầu nghèo trở lại sau thời gian cố gắng vươn lên. Đằng sau đó dĩ nhiên chất lượng sống không được đảm bảo và sự chênh lệch về chất lượng sống. Tình trạng cách biệt giàu nghèo diễn ra ở khắp nơi trong nước ta với những mức độ khác nhau; ở nông thôn có sự cách biệt của nông thôn, ở thành thị có sự cách biệt của thành thị. Và giữa hai “đầu mút” của nông thôn và thành thị lại cách nhau rất xa.
Năm 2007, có người đã đặt ra tình huống 2 người ăn 1 con gà nhưng kỳ thực chỉ có một người ăn nguyên con, còn người kia… đứng nhìn. Sau 5 năm, tình hình hẳn khác đi, theo xu hướng là 3 người ăn 2 con gà. Tính bình quân thì một người ăn được hơn nửa con nhưng liệu có phải là sẽ có tình huống 1 người ăn cả 2 con, còn 2 người kia đứng nhìn, hoặc 1 người ăn gần hết 2 con, 1 người ăn phần còn lại và vẫn có 1 người nhịn? Ta sẽ không khó hình dung xu hướng thay đổi trong thời gian tới là: 4 người ăn 3 con gà, 5 người ăn 4 con gà, 100 người ăn 99 con gà… với sự phân chia là 1 người trong số đó ăn phần lớn số gà, một số ít người khác ăn được một ít và một số đông còn lại không ăn được tí nào. Ngay cả một xu hướng “đẹp” hơn và có nhiều khả năng xảy ra thì, 1 người ăn phần nhiều, nhiều người ăn phần ít còn lại và vẫn có một số ít người không được ăn, nếu như không có những biện pháp ngăn chặn có hiệu quả.
Đó là một thực tế xót xa. Bởi vì, nhìn toàn cảnh, xã hội ngày càng phát triển, đất nước ngày càng giàu mạnh. GDP hàng năm vẫn tăng đều đặn, thu nhập bình quân đầu người vẫn không ngừng tăng trưởng. Thế và lực của đất nước ngày càng được cải thiện. Đó là xu hướng tích cực mang tính tất yếu. Đó cũng là mong mỏi của tất cả người Việt Nam. Tuy nhiên, khoảng cách giàu nghèo cũng theo đó mà tăng lên. Điều đáng nói là dường như những người giàu thì ngày càng có xu hướng giàu thêm bởi họ có nhiều điều kiện thuận lợi, còn những người nghèo tuy có thể không nghèo hơn nhưng rất khó có sự cải thiện lớn về thu nhập do hạn chế về vốn, trình độ văn hóa, tay nghề…
Từ chênh lệch thu nhập sẽ kéo theo chênh lệch về khả năng được đáp ứng yêu cầu về giáo dục, y tế, giải trí… Tức là chất lượng sống của một bộ phận đông đảo người dân vẫn chưa được cải thiện nhiều. Hiện nay, với giá cả sinh hoạt đang tăng cao thì áp lực đời sống lên người nghèo lại càng lớn. Sự tăng giá với một số gia đình sẽ trở thành chiếc áo vất lên lưng con lừa đã chở quá nặng!
Điều tiết sự chênh lệch khoảng cách giàu nghèo phải bằng những chính sách mang tầm chiến lược, chứ không thể đơn lẻ ở từng địa phương hoặc từng thời điểm cụ thể. Trước hết phải có một quan điểm nhất quán và xuyên suốt về công bằng xã hội. Công bằng hoàn toàn không phải là cào bằng mà phải có sự quan tâm đúng mức, đồng bộ và thỏa đáng đến tất cả các nhóm cư dân trong xã hội. Chẳng hạn, tìm cách hỗ trợ doanh nghiệp thì cũng phải có biện pháp giúp đỡ nông dân, chăm lo cho các đối tượng thuộc diện chính sách, bảo trợ xã hội. Hay chính sách thuế cũng cần linh hoạt và nhân văn hơn, như miễn hoặc giảm thuế đối với người buôn bán nhỏ, nông dân sản xuất quy mô nhỏ (không phải trang trại), tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với những mặt hàng xa xỉ, xem xét lại mức khởi điểm để tính thuế thu nhập cá nhân. Đồng thời, một mặt quản lý chặt hình thức cho vay vốn đối với các doanh nghiệp (để tránh thất thoát), mặt khác cũng mở rộng hình thức và số vốn cho vay đối với loại hình kinh tế hộ gia đình, nông dân…
Bên cạnh đó, cần chú trọng nâng chất lượng cuộc sống của người dân, xem đó là mục tiêu của việc giảm thiểu chênh lệch giàu nghèo, chứ không phải chỉ xét ở vấn đề thu nhập. Các chính sách an sinh xã hội, đặc biệt là về y tế, giáo dục, bảo hiểm, cần được quan tâm đúng mức.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét