Thứ Ba, 24 tháng 4, 2012

Bài viết


SỨC DÂN ĐANG BỊ THỬ THÁCH
NGUYỄN MINH HẢI
Bài đã đăng Báo Tuổi trẻ, ngày 21-3-2012

Xăng dầu vừa lên giá, kéo theo giá cả một loạt hàng hóa và dịch vụ tăng theo, vừa tất yếu vừa “ăn theo”. Cùng với giá xăng dầu, giá gas liên tục tăng; còn giá điện có vẻ như cũng chuẩn bị tăng. Tiếp đó, Chính phủ có nghị định về thu phí bảo trì đường bộ với mức phí không hề thấp. Cùng thời điểm, giá hàng loạt dịch vụ y tế tăng từ 5 đến 20 lần. Trong khi đó, dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân sửa đổi tiếp tục bị cho là lạc hậu (như lần ban hành trước) do các mức tính thuế không phù hợp thực tế và mãi đến năm 2014 mới áp dụng. Một sự kiện khác, không liên quan trực tiếp đến nhiều người nhưng cũng gây quan tâm là giá thu phí trên đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương quá cao đến độ nhiều xe phải “né” sang quốc lộ 1, kết cục là trên con đường này sẽ... sớm có một trạm thu phí để “thu cho đủ”. Xuyên suốt từ năm trước đến nay, lạm phát vẫn ở mức cao dù Chính phủ đã có nhiều nỗ lực để kiềm chế. Như vậy, dù được lý giải bằng cách nào thì hình như sức dân rõ ràng là đang bị thử thách nặng nề.
Công bằng mà nói, nước ta đi lên từ xuất phát điểm rất thấp, nội lực còn hạn chế, nhà nước không thể “bao” quá nhiều khoản, do đó rất cần sự đóng góp của toàn xã hội. Sự đóng góp đó về nguyên tắc vẫn theo cách “hưởng nhiều thì đóng góp nhiều” và một phần là “có điều kiện nhiều thì đóng góp nhiều”. Đó là tinh thần chung của tất cả các nhà nước. Và, thực tế cũng cho thấy, ngay ở nước ta trước đây và một số nước khác hiện nay, khi nhà nước bao cấp quá nhiều (nhất là đầu tư lớn cho lĩnh vực an sinh xã hội) thì không còn đủ nguồn vốn để đầu tư phát triển một cách cân đối, hài hòa giữa kinh tế và xã hội.
Thông thường, trước các vấn đề xã hội, kèm một chính sách nào đó nhà nước luôn ban hành những chính sách xã hội để điều tiết sự tác động của chính sách đó, cũng như đảm bảo sự hài hòa lợi ích giữa các nhóm. Chẳng hạn, năm 2011, khi tăng giá điện thì Chính phủ cũng đồng thời quy định những hộ nghèo được hỗ trợ 30.000đ/tháng; khi ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP có nội dung hoãn, cắt giảm một số đầu tư công thì cũng nhiều hỗ trợ cho hộ nghèo, đối tượng chính sách và cán bộ công chức có thu nhập thấp... Đó là cách phân phối lại thu nhập không chỉ hạn chế sự bất bình đẳng quá lớn giữa các nhóm dân cư mà còn một giải pháp có tính định hướng cao của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Tức là, nhà nước luôn đảm bảo phân phối lại thu nhập để giảm đến mức thấp nhất tình trạng người sở hữu tư liệu sản xuất có được thu nhập rất cao trong khi những người vì lý do nào đó không sở hữu được tư liệu sản xuất thì không được hưởng lợi gì từ thành quả chung của xã hội.
Do đó, bên cạnh hàng loạt chính sách huy động nguồn lực của nhân dân như nhà nước đang thực hiện thì người dân cũng trông đợi những chính sách xã hội tương ứng. Chẳng hạn, tăng chi phí y tế thì cũng nên mở rộng đối tượng được hưởng lợi (ngoài người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, các đối tượng chính sách... đã được miễn phí bảo hiểm y tế thì cần giảm mức đồng chi trả cho một số đối tượng, nâng chất lượng khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế...); hoặc, tăng giá xăng dầu thì phải có biện pháp hỗ trợ cho ngư dân, nông dân sử dụng xăng dầu đánh bắt thủy hải sản, sản xuất nông nghiệp...; hoặc đã thu phí bảo trì đường bộ thì phải giảm dần các trạm thu phí giao thông, tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông... Và, dĩ nhiên, thu nhiều khoản phí trong dân thì phải quyết liệt kéo giảm sự thất thoát do lãng phí, tham nhũng, đầu tư kém hiệu quả đồng thời nâng cao chất lượng và thái độ phục vụ nhân dân, nhất là đối với các dịch vụ công. Nói cách khác, huy động sức dân phải để phục vụ nhân dân (dù đối tượng “dân”, nội hàm của “nhân dân” có thể khác nhau đôi chút) chứ không phải để “bù đắp” sự thất thoát do quản lý yếu kém hoặc để “nuôi” bộ máy cồng kềnh.
Ta thử hình dung, nếu toàn xã hội có n đồng mà n = n1+n2+n3+... với n1, n2, n3... là các nguồn lực của xã hội, trong đó có của nhà nước, liệu khi các nguồn trong dân lớn hay nguồn lực của nhà nước lớn thì sẽ sinh hiệu quả xã hội cao? Bởi vì, xã hội bao giờ cũng đồng thời diễn ra sự đầu tư của nhà nước và ngoài nhà nước. Do đó, trong từng giai đoạn cần có sự tính toán hợp lý để các nguồn lực đó có thể sinh lợi (cả lợi ích kinh tế lẫn lợi ích xã hội) nhiều hơn, chứ không chỉ tập trung cả về phía nhà nước. Tức là, có những lúc nhà nước phải tránh đặt ra tình huống mà sức dân bị thử thách.
Vẫn các câu khẩu hiệu cũ: “lấy sức dân chăm lo cho dân” và “nhà nước và nhân dân cùng làm”, điều đó có lẽ không có gì đáng bàn cãi. Vấn đề là sức dân phải được khoan thư một cách hợp lý, vì đó vẫn luôn là “kế sâu rễ bền gốc”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét