Thứ Tư, 4 tháng 1, 2012

Tìm hiểu

CHUYỆN NÀNG MÃ CÁP 马哈 KHỎA THÂN TRONG CUNG ĐÌNH HUẾ

Quốc công Trình Thái Phó sấm truyền tin dê, trỏ ý chuyện Cao Hoàng Đế (chỉ Nguyễn Ánh) và Bá Đa Lộc, cầu viện người Phú Lãng Sa rồi bị cướp nước. Chuyện Phú Xuân, mảng bên tai vẫn như ngày hôm qua, kể đến khi Thế Tổ Gia Long ghét Anh yêu Pháp, Thánh Tổ Minh Mạng coi người Âu Châu là bọn man di, là quân xâm lược, Hiến Tổ Thiệu Trị, Dực Tông Tự Đức cự tuyệt mọi việc giao thiệp với các nước ngoài, trải qua năm đời Cung, Giản, Cảnh, kế đến Thành Thái yêu nước kháng Pháp, chủ trương cư Nho mộ Pháp, đọc Tân Thư chữ Hán Trung Quốc, Nhật Bản, cắt tóc ngắn, mặc tây phục, lái ca nô, xe hơi, làm quen với lối sống Châu Âu, cho hoàng phi cấm cung đi cùng xe, gần gũi dân chúng, đến đỗi nếu có ai lỡ quên nhìn mặt rồng cũng không bị coi là phạm tất, tính tình phong lưu thoáng đãng, bởi thế mới có câu ca dao:

    Kim Long có gái mỹ miều
    Trẫm thương, Trẫm nhớ, Trẫm liều, Trẫm đi.

Bấy giờ vua Thành Thái để ý có ông Lê Văn Miến tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Paris (Beaux - Arts de Paris) mới về nước, sai vẽ lại các loại súng Pháp, lại thường xuyên qua lại để trao đổi chuyện viết chữ chép tranh, thấy ông Miến có tranh của Ca Ma Lã 歌麿 (Utamaro), phần nhiều đều là chuyện khoả thân gợi dục, mới tỏ ý không bằng lòng, cho là việc dâm ô bệnh hoạn, bèn cho giam vào trong ngục một tuần, gọi là hình Thập Nhật, ông Miến xin miễn tội, lúc ấy thảo hẳn bản tấu rất dài, trong đó có câu: “Thân thể trần truồng của người đàn bà là tác phẩm tuyệt mỹ của tạo hóa, còn ý thức tà dâm về sự trần truồng ấy là sản phẩm của bản chất lưu manh”. Vua nghe xong cho là phải, tha về, từ ấy cũng không quá khắt khe với ông Miến nữa.

Sau chuyện này, người trong thành Phú Xuân còn kể ông Miến một lần ở Duyệt Thị Đường  dâng lên vua Thành Thái một bức tranh vẽ người đàn bà Tây Dương khỏa thân, gọi tên là Nàng Mã Cáp 马哈 do ông Phí Qua Nhã 弗戈雅 người Tây Ban Nha 西班牙 vẽ. Thành  Thái xem xong không nói gì, lấy bút phê vào chữ 活, ý tỏ là y như thật vậy.

Bức tranh nàng Mã Cáp khỏa thân trong cung đình Huế của ông Phí Qua Nhã đến thời Bảo Đại tự dưng mất, nghe đâu do bà Nam Phương Hoàng Hậu là người Công Giáo, muốn giữ lề thói nên ngầm sai người đem vứt xuống sông Hương. Sau có người sang Bảo tàng Prado (Museo del Prado) tại Madrid mới phát hiện ra bức tranh La maja desnuda (Nàng Maja khỏa thân), ý chừng giống hệt bức tranh nàng Mã Cáp, có điều khuôn mặt chẳng vui tươi như trước, mà phảng phất nét vong quốc hận, đau khổ hồ nghi.

* NÀNG TÂN MÃ CÁP 马哈
Danh họa Tây Ban Nha Fancisco José de Goya sau khi vẽ một nữ công tước trong bức họa nổi tiếng Nàng Maja khỏa thân khoảng năm 1797-1800, đã để lại ấn tượng lớn đối với những người yêu thích hội họa, nhưng lại bị Tòa án Giáo hội kết tội “Truyền bá văn hóa đồi trụy”, ông dõng dạc tuyên bố: “Thân thể trần truồng của phụ nữ là tác phẩm tuyệt vời của Tạo hóa. Ý thức dục vọng thấp hèn về sự trần truồng đó chỉ có trong đầu óc những kẻ tà dâm”.

Nhưng cuối cùng ông cũng phải vẽ lại một bức khác, choàng xiêm y cho bà công tước ấy. Vậy là bức tranh Maja thứ hai ra đời, có quần áo hẳn hoi.

Thời Thành Thái, có ông Lê Văn Miến tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Paris (Beaux - Arts de Paris) mới về nước, một lần ở Duyệt Thị Đường dâng lên bức tranh ấy, gọi là Nàng Mã Cáp 马哈 của ông Phí Qua Nhã 弗戈雅. Thành Thái xem xong không nói gì, lấy bút phê vào chữ 活, ý tỏ là y như thật vậy, rồi hỏi sao không mặc quần áo cho người phụ nữ ấy.

Ông Miến nghe xong, chiều ý Thành Thái, mới đem màu vẽ sửa lại thành bức tranh một ngưởi đàn bà trong bộ áo dài xứ Thuận Hóa.

Sau thời văn vật trở nên phóng khoáng, lại có người nhìn bức tranh, bảo người phụ nữ Tây Dương thân thể đẹp nhường kia, sao lại nỡ đem che phủ bởi cái thứ vải vóc tầm thường như thế, mới đem vẽ lại một bức tranh khác, phô bày da thịt vời vợi hẳn ra, ai nấy đều cho là đẹp, gọi là Nàng Tân Mã Cáp.

Kể từ ấy đã bao phen người ta đem nàng Mã Cáp ra hết mặc lại cởi như thế.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét