Thứ Bảy, 11 tháng 2, 2012

Bài tham khảo

TỪ VỤ TIÊN LÃNG NGHĨ VỀ VIỆC ĐỐI THOẠI VỚI DÂN
NGUYỄN MINH HẢI

Vụ việc ở Tiên Lãng có thể xem là một sự việc đáng tiếc, bởi vì vụ việc này có thể tránh được nếu như các cơ quan chức năng ở huyện Tiên Lãng và xã Vinh Quang tổ chức đối thoại với dân một cách cầu thị, thiết thực.
Thông tin báo chí cho thấy, sự bất đồng, thậm chí tranh chấp, giữa gia đình ông Đoàn Văn Vươn (cùng một số gia đình khác) và chính quyền xã Vinh Quang và huyện Tiên Lãng đã diễn ra khá lâu. Trong thời gian đó, gần như không có cuộc đối thoại với tính cách là gặp gỡ, trao đổi thẳng thắn, hiểu biết nhau, chia sẻ và thông cảm nhau. Bởi trong vụ việc này, ngoài nhu cầu, lợi ích khác nhau còn có cả cách hiểu và vận dụng pháp luật khác nhau, thậm chí có chỗ còn có thể xem là pháp luật (cụ thể là Luật Đất đai, Luật Khiếu nại, Tố cáo, một số quy định về tố tụng...) đã chưa có sự chặt chẽ. Lẽ ra trong bối cảnh đó, đôi bên cùng ngồi lại trao đổi, tìm hiểu rõ nhu cầu và lợi ích của nhau để có hướng giải quyết thỏa đáng thì gần như mỗi bên đã tự hành động theo cách của mình. Hậu quả đó không chỉ cho các cá nhân liên quan mà còn đối với chính quyền và hệ thống chính trị nói chung.
Mặt khác, trong quá trình tổ chức thực hiện quyền hành chính của mình, chính quyền xã và huyện cũng tỏ ra chưa thực sự tôn trọng dân, chưa lắng nghe ý kiến dân một cách cầu thị và có trách nhiệm. Vì vậy, những nguyện vọng và vướng mắc của người dân không được biết đến hoặc có biết đến nhưng không được quan tâm và giải quyết thấu đáo. Điều đó tạo ra sự mất lòng tin và bức xúc trong những gia đình bị cưỡng chế nói riêng và người ở địa phương nói chung.
Ngay cả đến khi tổ chức cưỡng chế, việc quan trọng trong buổi cưỡng chế vẫn là vận động, thuyết phục chứ không phải dùng công cụ trấn áp một cách quyết liệt và triệt để. Điều này không chỉ tạo điều kiện để người dân chấp hành quyết định cưỡng chế tự nguyện mà còn tránh gây thiệt hại về tính mạng và tài sản cho đôi bên (như đã diễn ra).
Thực tế cho thấy, trong nhiều vụ tranh chấp giữa chính quyền cơ sở và người dân, sự đối thoại là vô cùng cần thiết. Có đối thoại thì chính quyền mới nói được đầy đủ yêu cầu, mục đích hợp pháp, chính đáng của mình (nhiều khi chỉ nói được với một số đối tượng cụ thể với tính đặc thù riêng); còn người dân mới có cơ hội được nêu lên tâm tư, nguyện vọng, lợi ích (cả hợp pháp và chưa hợp pháp, cả chính đáng và chưa chính đáng) của mình. Từ đó, chính quyền có thể tiếp tục vận động, thuyết phục, hoặc điều chỉnh quyết định của mình sao cho đảm bảo lợi ích hài hòa, chính đáng, hợp pháp của cả nhà nước, nhà quản lý và người dân. Nhiều trường hợp đến ngay thời điểm tổ chức cưỡng chế, nếu chính quyền có biện pháp đối thoại hợp lý, người dân cũng đã tự nguyện bàn giao, không nhất thiết phải sử dụng công cụ trấn áp. Vì vậy, công tác tư tưởng và công tác dân vận phải được xem trọng đúng mức. Trong đó, chính quyền, người thực hiện quyền lực nhà nước, phải đặt mình vào vị trí của nhân dân để xác định cho đúng tính chất vụ việc cũng như nguyện vọng và lợi ích của nhân dân.
Như vậy, trong quản lý nhà nước, chính quyền cơ sở cần sử dụng đồng thời cả các phương pháp vận động - giáo dục - thuyết phục, kinh tế chứ không chỉ có biện pháp hành chính – mệnh lệnh – cưỡng chế, trong từng hoàn cảnh và đối tượng cụ thể. Có như vậy mới hạn chế tạo ra sự mâu thuẫn, tranh chấp không đáng có giữ nhà quản lý và nhân dân cũng như tránh gây ra xung đột đáng tiếc.
Vụ việc Tiên Lãng có thể xem là một bài học lớn trong việc mở rộng dân chủ cũng như phát huy cơ chế đối thoại hai chiều giữa chính quyền cơ sở với nhân dân.
Bài đã đăng báo Sài Gòn Giải phóng ngày 9-2-2012

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét