Thứ Sáu, 7 tháng 10, 2011

Tham khảo

Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa

Theo vi.wikipedia.org

Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là tên gọi một hệ thống kinh tế được Đảng Cộng sản Việt Nam sáng tạo và chủ trương triển khai tại Việt Nam từ thập niên 1990[1].
Cho đến nay, chính Đảng Cộng sản Việt Nam cũng thừa nhận rằng chưa có nhận thức rõ, cụ thể và đầy đủ về thế nào là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà chỉ có giải thích hạn chế và chung chung rằng, đó là một nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý chặt chẽ của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa hướng tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.[1] Nguyên nhân của tình trạng này là hệ thống kinh tế này là hoàn toàn mới, chưa có tiền lệ trong lịch sử[2] Thêm vào đó, công tác lý luận ở Việt Nam về hệ thống kinh tế này còn chưa theo kịp thực tiễn[2] Gần 20 năm theo đuổi chủ trương xây dựng hệ thống kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhưng các thể chế cho hệ thống này hoạt động vẫn chưa có đầy đủ.[2] Mãi tới hội nghị lần thứ 6 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa X, Đảng mới ra nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 30 tháng 1 năm 2008 về tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa[1]. Và, mãi tới ngày 23 tháng 9 năm 2008, Chính phủ Việt Nam mới có nghị quyết số 22/2008/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ để thực hiện nghị quyết 21-NQ/TW.

Các đặc trưng

Hệ thống kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có các đặc trưng sau[2]:
  • Là một nền kinh tế hỗn hợp, nghĩa là vừa vận hành theo cơ chế thị trường, vừa có sự điều tiết của nhà nước. Các quy luật khách quan của nền kinh tế thị trường được tôn trọng. Các thông lệ quốc tế trong quản lý và điều hành kinh tế được vận dụng một cách hợp lý. Nền kinh tế chịu sự chi phối của các quy luật kinh tế xã hội chủ nghĩa.
  • Là một nền kinh tế đa dạng các hình thức sở hữu, nhưng khu vực kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế, kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế. Đất đai thuộc sở hữu toàn dân.
  • Là nền kinh tế phát triển nhanh, hiệu quả, bền vững và chủ động hội nhập kinh tế thành công.
  • Việc phân phối được thực hiện chủ yếu theo kết quả lao động và theo hiệu quả kinh tế, đồng thời theo cả mức đóng góp vốn. Chú trọng phân phối lại qua phúc lợi xã hội. Việc phân bổ các nguồn lực vừa được tiến hành theo hướng nâng cao hiệu quả, vừa theo hướng giúp thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các địa phương. Phát triển kinh tế gắn với tiến bộ, công bằng xã hội; công bằng xã hội được chú ý trong từng bước, từng chính sách phát triển.
  • Phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường.
  • Các tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội, nghề nghiệp và nhân dân được khuyến khích tham gia vào quá trình phát triển kinh tế.

Chính sách thực hiện

Chủ trương khu vực kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa được thực hiện trong thực tế bằng việc thành lập hàng loạt các doanh nghiệp nhà nước lớn như các tập đoàn kinh tế nhà nước, các tổng công ty 90, tổng công ty 91. Tuy nhiên, hiện không ít doanh nghiệp nhà nước lớn này hoạt động không hiệu quả và/ hoặc thua lỗ triền miên.[3]

Dẫn nguồn

1.      ^ a b c Nghị quyết 21-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa X.
2.      ^ a b c d Nghị quyết 22/2008/NQ-CP của Chính phủ Việt Nam ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW.

Tham khảo

  • Nghị quyết 21-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa X.
  • Nghị quyết 22/2008/NQ-CP của Chính phủ Việt Nam ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét