Thứ Ba, 24 tháng 4, 2012

Ngày 1-4, một số tỉnh thành phía Nam đã phải hứng chịu cơn bão số 1. Ngay tại TP.HCM, nhiều nhà bị tốc mái, rất nhiều cây bị gãy đỗ, có chỗ đè lên cả ô tô, nhà cửa... TP.HCM thật hiếm hoi phải gánh một cơn bão như thế.
Hôm đó, tôi đi xe máy từ Đồng Nai về TP.HCM, mưa tầm tã suốt chặng đường, gió thổi vù vù, lúc qua cầu Đồng Nai suýt bị thổi bay xe... Nghĩ lại mà rùng mình!
Hôm 3-4 đi học lại, phòng 312 chưa có người ở nên vẫn còn lênh láng nước - mưa tạt từ cửa lá sách. Mấy anh em phải rất vất vả mới lau dọn xong. Ngoài cửa sổ, hai cây sứ to đã bị tróc gốc nằm nghiêng ngả.
Mấy ngày sau, người ta nhổ bỏ cây móng bò trước phòng L.105 và trồng vào đó một cây sứ bông màu hồng. Cạnh đó, người ta cũng đã trồng thêm một cây sứ hoa màu đỏ, vốn đang trồng trong trường cũng bị ngã. Tự nhiên thấy nhớ cây móng bò hoa hồng phơn phớt quá!
Một cơn bão thật đáng nhớ!

Tản mạn...

Lớp C2 sắp kết thúc. Đã học môn thứ 19, chỉ còn môn Xây dựng đảng. Tự nhiên tôi thấy buồn buồn...
Từ ngày tốt nghiệp đại học đến nay, tôi đã trải qua 4 lớp: lớp bằng C tiếng Anh (năm 2000 - 2001), trung cấp hành chính (2005 - 2007), cao học báo chí (2008 - 2010) và lớp cao cấp lý luận chính trị - hành chính (2011 - 2012). Chỉ có lớp C2 là vui nhất, cảm thấy học được nhiều nhất và dĩ nhiên thấy đáng nhớ nhất. 49 anh chị trong lớp mỗi người mỗi vẻ đã để lại những dấu ấn riêng trong tôi, thật khó phai nhạt. Có thời gian, tôi sẽ ghi lại cảm nhận về từng người trong lớp.
Sắp hết khóa học rồi. Hẳn mỗi người thấy thở phào nhẹ nhõm, bởi đi học luôn rất vất vả. Nhưng hẳn mỗi người cũng sẽ ít nhiều thấy bùi ngùi nghĩ đến ngày không còn gặp bạn bè C2 nữa. Chắc chắn sau khi tan khóa, không có dịp nào để có đủ 50 người cùng gặp gỡ, họp mặt.
Còn vài tuần nữa, hãy hỏi han nhiều hơn, chia sẻ nhiều hơn, thông cảm nhiều hơn... Không phải cuộc đời lúc nào cũng có những ngày tháng vui vẻ và đẹp đẽ như thế...
Phải không các anh chị?

Bài viết


PHẢI CHÚ Ý RÚT NGẮN KHOẢNG CÁCH GIÀU NGHÈO

NGUYỄN MINH HẢI
Bài đã đăng báo Tuổi trẻ ngày 5-3-2012

Đám cưới “siêu khủng” ở Hà Tĩnh được nhiều người ví là đã có giá đến 25 bệnh xá cho xã vùng sâu (1 tỉ đồng/bệnh xá) , 830 căn nhà tình nghĩa (30 triệu đồng/nhà), 25.000 suất học bổng (1 triệu đồng/suất)... Trước đó, một đám cưới khác cũng đình đám bởi cả cô dâu chú rể đều thuộc hàng “hot”, còn một trong hai nhà sui cũng là một đại gia, nhưng có lẽ rình rang nhất chính là dàn “siêu xe” đón dâu. Dĩ nhiên còn nhiều hoạt động khác có chi phí quá lớn so với mức sống chung cũng có thể được so sánh tương tự. Đành rằng người ta tiêu tiền do họ có thể kiếm được một cách chính đáng nhưng rõ ràng đó là “xa xỉ giữa biển nghèo” như nhà văn Nguyễn Quang Thân đã viết (Tuổi trẻ, 3-3-2012). Liệu tiền đó có thể mang lại hạnh phúc viên mãn, khi nó trở nên quá cách biệt với cuộc sống của nhiều người dân trong nước?
Hiện nay, ở nước ta không khó để nhận ra sự chênh lệch mức sống trong các nhóm dân cư. Có một số ít người hiện rất giàu và họ sẵn sàng bỏ hàng chục tỉ đồng để sắm những phương tiện đắt tiền (máy bay, xe hơi, du thuyền…) nhưng cũng có không ít người phải chạy ăn từng bữa. Đặc biệt, với đồng bào vùng thường bị thiên tai giữ được tính mạng đã quý, còn lại gần như trắng tay. Họ có thể bắt đầu nghèo trở lại sau thời gian cố gắng vươn lên. Đằng sau đó dĩ nhiên chất lượng sống không được đảm bảo và sự chênh lệch về chất lượng sống. Tình trạng cách biệt giàu nghèo diễn ra ở khắp nơi trong nước ta với những mức độ khác nhau; ở nông thôn có sự cách biệt của nông thôn, ở thành thị có sự cách biệt của thành thị. Và giữa hai “đầu mút” của nông thôn và thành thị lại cách nhau rất xa.
Năm 2007, có người đã đặt ra tình huống 2 người ăn 1 con gà nhưng kỳ thực chỉ có một người ăn nguyên con, còn người kia… đứng nhìn. Sau 5 năm, tình hình hẳn khác đi, theo xu hướng là 3 người ăn 2 con gà. Tính bình quân thì một người ăn được hơn nửa con nhưng liệu có phải là sẽ có tình huống 1 người ăn cả 2 con, còn 2 người kia đứng nhìn, hoặc 1 người ăn gần hết 2 con, 1 người ăn phần còn lại và vẫn có 1 người nhịn? Ta sẽ không khó hình dung xu hướng thay đổi trong thời gian tới là: 4 người ăn 3 con gà, 5 người ăn 4 con gà, 100 người ăn 99 con gà… với sự phân chia là 1 người trong số đó ăn phần lớn số gà, một số ít người khác ăn được một ít và một số đông còn lại không ăn được tí nào. Ngay cả một xu hướng “đẹp” hơn và có nhiều khả năng xảy ra thì, 1 người ăn phần nhiều, nhiều người ăn phần ít còn lại và vẫn có một số ít người không được ăn, nếu như không có những biện pháp ngăn chặn có hiệu quả.
Đó là một thực tế xót xa. Bởi vì, nhìn toàn cảnh, xã hội ngày càng phát triển, đất nước ngày càng giàu mạnh. GDP hàng năm vẫn tăng đều đặn, thu nhập bình quân đầu người vẫn không ngừng tăng trưởng. Thế và lực của đất nước ngày càng được cải thiện. Đó là xu hướng tích cực mang tính tất yếu. Đó cũng là mong mỏi của tất cả người Việt Nam. Tuy nhiên, khoảng cách giàu nghèo cũng theo đó mà tăng lên. Điều đáng nói là dường như những người giàu thì ngày càng có xu hướng giàu thêm bởi họ có nhiều điều kiện thuận lợi, còn những người nghèo tuy có thể không nghèo hơn nhưng rất khó có sự cải thiện lớn về thu nhập do hạn chế về vốn, trình độ văn hóa, tay nghề…
Từ chênh lệch thu nhập sẽ kéo theo chênh lệch về khả năng được đáp ứng yêu cầu về giáo dục, y tế, giải trí… Tức là chất lượng sống của một bộ phận đông đảo người dân vẫn chưa được cải thiện nhiều. Hiện nay, với giá cả sinh hoạt đang tăng cao thì áp lực đời sống lên người nghèo lại càng lớn. Sự tăng giá với một số gia đình sẽ trở thành chiếc áo vất lên lưng con lừa đã chở quá nặng!
Điều tiết sự chênh lệch khoảng cách giàu nghèo phải bằng những chính sách mang tầm chiến lược, chứ không thể đơn lẻ ở từng địa phương hoặc từng thời điểm cụ thể. Trước hết phải có một quan điểm nhất quán và xuyên suốt về công bằng xã hội. Công bằng hoàn toàn không phải là cào bằng mà phải có sự quan tâm đúng mức, đồng bộ và thỏa đáng đến tất cả các nhóm cư dân trong xã hội. Chẳng hạn, tìm cách hỗ trợ doanh nghiệp thì cũng phải có biện pháp giúp đỡ nông dân, chăm lo cho các đối tượng thuộc diện chính sách, bảo trợ xã hội. Hay chính sách thuế cũng cần linh hoạt và nhân văn hơn, như miễn hoặc giảm thuế đối với người buôn bán nhỏ, nông dân sản xuất quy mô nhỏ (không phải trang trại), tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với những mặt hàng xa xỉ, xem xét lại mức khởi điểm để tính thuế thu nhập cá nhân. Đồng thời, một mặt quản lý chặt hình thức cho vay vốn đối với các doanh nghiệp (để tránh thất thoát), mặt khác cũng mở rộng hình thức và số vốn cho vay đối với loại hình kinh tế hộ gia đình, nông dân…
Bên cạnh đó, cần chú trọng nâng chất lượng cuộc sống của người dân, xem đó là mục tiêu của việc giảm thiểu chênh lệch giàu nghèo, chứ không phải chỉ xét ở vấn đề thu nhập. Các chính sách an sinh xã hội, đặc biệt là về y tế, giáo dục, bảo hiểm, cần được quan tâm đúng mức.

Bài viết


SỨC DÂN ĐANG BỊ THỬ THÁCH
NGUYỄN MINH HẢI
Bài đã đăng Báo Tuổi trẻ, ngày 21-3-2012

Xăng dầu vừa lên giá, kéo theo giá cả một loạt hàng hóa và dịch vụ tăng theo, vừa tất yếu vừa “ăn theo”. Cùng với giá xăng dầu, giá gas liên tục tăng; còn giá điện có vẻ như cũng chuẩn bị tăng. Tiếp đó, Chính phủ có nghị định về thu phí bảo trì đường bộ với mức phí không hề thấp. Cùng thời điểm, giá hàng loạt dịch vụ y tế tăng từ 5 đến 20 lần. Trong khi đó, dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân sửa đổi tiếp tục bị cho là lạc hậu (như lần ban hành trước) do các mức tính thuế không phù hợp thực tế và mãi đến năm 2014 mới áp dụng. Một sự kiện khác, không liên quan trực tiếp đến nhiều người nhưng cũng gây quan tâm là giá thu phí trên đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương quá cao đến độ nhiều xe phải “né” sang quốc lộ 1, kết cục là trên con đường này sẽ... sớm có một trạm thu phí để “thu cho đủ”. Xuyên suốt từ năm trước đến nay, lạm phát vẫn ở mức cao dù Chính phủ đã có nhiều nỗ lực để kiềm chế. Như vậy, dù được lý giải bằng cách nào thì hình như sức dân rõ ràng là đang bị thử thách nặng nề.
Công bằng mà nói, nước ta đi lên từ xuất phát điểm rất thấp, nội lực còn hạn chế, nhà nước không thể “bao” quá nhiều khoản, do đó rất cần sự đóng góp của toàn xã hội. Sự đóng góp đó về nguyên tắc vẫn theo cách “hưởng nhiều thì đóng góp nhiều” và một phần là “có điều kiện nhiều thì đóng góp nhiều”. Đó là tinh thần chung của tất cả các nhà nước. Và, thực tế cũng cho thấy, ngay ở nước ta trước đây và một số nước khác hiện nay, khi nhà nước bao cấp quá nhiều (nhất là đầu tư lớn cho lĩnh vực an sinh xã hội) thì không còn đủ nguồn vốn để đầu tư phát triển một cách cân đối, hài hòa giữa kinh tế và xã hội.
Thông thường, trước các vấn đề xã hội, kèm một chính sách nào đó nhà nước luôn ban hành những chính sách xã hội để điều tiết sự tác động của chính sách đó, cũng như đảm bảo sự hài hòa lợi ích giữa các nhóm. Chẳng hạn, năm 2011, khi tăng giá điện thì Chính phủ cũng đồng thời quy định những hộ nghèo được hỗ trợ 30.000đ/tháng; khi ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP có nội dung hoãn, cắt giảm một số đầu tư công thì cũng nhiều hỗ trợ cho hộ nghèo, đối tượng chính sách và cán bộ công chức có thu nhập thấp... Đó là cách phân phối lại thu nhập không chỉ hạn chế sự bất bình đẳng quá lớn giữa các nhóm dân cư mà còn một giải pháp có tính định hướng cao của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Tức là, nhà nước luôn đảm bảo phân phối lại thu nhập để giảm đến mức thấp nhất tình trạng người sở hữu tư liệu sản xuất có được thu nhập rất cao trong khi những người vì lý do nào đó không sở hữu được tư liệu sản xuất thì không được hưởng lợi gì từ thành quả chung của xã hội.
Do đó, bên cạnh hàng loạt chính sách huy động nguồn lực của nhân dân như nhà nước đang thực hiện thì người dân cũng trông đợi những chính sách xã hội tương ứng. Chẳng hạn, tăng chi phí y tế thì cũng nên mở rộng đối tượng được hưởng lợi (ngoài người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, các đối tượng chính sách... đã được miễn phí bảo hiểm y tế thì cần giảm mức đồng chi trả cho một số đối tượng, nâng chất lượng khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế...); hoặc, tăng giá xăng dầu thì phải có biện pháp hỗ trợ cho ngư dân, nông dân sử dụng xăng dầu đánh bắt thủy hải sản, sản xuất nông nghiệp...; hoặc đã thu phí bảo trì đường bộ thì phải giảm dần các trạm thu phí giao thông, tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông... Và, dĩ nhiên, thu nhiều khoản phí trong dân thì phải quyết liệt kéo giảm sự thất thoát do lãng phí, tham nhũng, đầu tư kém hiệu quả đồng thời nâng cao chất lượng và thái độ phục vụ nhân dân, nhất là đối với các dịch vụ công. Nói cách khác, huy động sức dân phải để phục vụ nhân dân (dù đối tượng “dân”, nội hàm của “nhân dân” có thể khác nhau đôi chút) chứ không phải để “bù đắp” sự thất thoát do quản lý yếu kém hoặc để “nuôi” bộ máy cồng kềnh.
Ta thử hình dung, nếu toàn xã hội có n đồng mà n = n1+n2+n3+... với n1, n2, n3... là các nguồn lực của xã hội, trong đó có của nhà nước, liệu khi các nguồn trong dân lớn hay nguồn lực của nhà nước lớn thì sẽ sinh hiệu quả xã hội cao? Bởi vì, xã hội bao giờ cũng đồng thời diễn ra sự đầu tư của nhà nước và ngoài nhà nước. Do đó, trong từng giai đoạn cần có sự tính toán hợp lý để các nguồn lực đó có thể sinh lợi (cả lợi ích kinh tế lẫn lợi ích xã hội) nhiều hơn, chứ không chỉ tập trung cả về phía nhà nước. Tức là, có những lúc nhà nước phải tránh đặt ra tình huống mà sức dân bị thử thách.
Vẫn các câu khẩu hiệu cũ: “lấy sức dân chăm lo cho dân” và “nhà nước và nhân dân cùng làm”, điều đó có lẽ không có gì đáng bàn cãi. Vấn đề là sức dân phải được khoan thư một cách hợp lý, vì đó vẫn luôn là “kế sâu rễ bền gốc”.

Anh Tuấn mua xe...

Mấy tuần nay anh Nguyễn Đình Tuấn bận rộn với việc tìm mua ôtô. Trên lớp, ít còn thấy anh ngồi ghi chép cẩn thận, các đề mục kẻ mực màu đỏ...
Rồi anh cũng tìm được chiếc xe ưng ý. Một chiếc Toyota Vios mới, giá hơn 600 triệu.
Chúc mừng anh! Hi vọng đến ngày ra trường, anh em có thể có dịp chiêm ngưỡng xe và dự bữa... rửa xe hoành tráng của anh!

Anh Lê Văn Thái bỏ thuốc...

Từ tuần trước, anh Lê Văn Thái nói sẽ bỏ thuốc lá! Không rõ lý do gì đặc biệt, nhưng tinh thần chung là hoan ngênh anh!
Anh Thái cho biết đã hút thuốc gần 30 năm, từ hồi học lớp 2 lớp 3 gì đó (khiếp quá!). Hồi đó ở Quảng Bình, đám trẻ chăn trâu, chăn bò hay ra cạnh đường ray, đưa tay làm dấu hút thuốc, thế nào trong tàu cũng có người thấy và quăng xuống vài điếu thuốc... Riết thành quen và ghiền!
Không biết anh có bỏ thuốc thành công không. Nhớ hồi học đại học, thầy Nguyễn Khắc Thuần dạy môn Lịch sử Việt Nam có kể chuyện quân Tây Sơn 4 lần đánh vào Gia Định. Thầy nói: Quân Tây Sơn thắng Nguyễn Ánh 4 lần. Đã thực sự thắng thì không phải đánh nhiều lần như vậy. Rồi thầy nói vui: Giống như người ta hay nói, bỏ thuốc dễ lắm, tôi bỏ cả chục lần! Cả lớp cười ngất!
Kể lại chuyện đó cho anh Thái nghe cốt động viên anh bỏ thuốc thực sự, để không phải bỏ thuốc thêm lần nào nữa!