Thứ Bảy, 11 tháng 2, 2012

Bài tham khảo

TỪ VỤ TIÊN LÃNG NGHĨ VỀ VIỆC ĐỐI THOẠI VỚI DÂN
NGUYỄN MINH HẢI

Vụ việc ở Tiên Lãng có thể xem là một sự việc đáng tiếc, bởi vì vụ việc này có thể tránh được nếu như các cơ quan chức năng ở huyện Tiên Lãng và xã Vinh Quang tổ chức đối thoại với dân một cách cầu thị, thiết thực.
Thông tin báo chí cho thấy, sự bất đồng, thậm chí tranh chấp, giữa gia đình ông Đoàn Văn Vươn (cùng một số gia đình khác) và chính quyền xã Vinh Quang và huyện Tiên Lãng đã diễn ra khá lâu. Trong thời gian đó, gần như không có cuộc đối thoại với tính cách là gặp gỡ, trao đổi thẳng thắn, hiểu biết nhau, chia sẻ và thông cảm nhau. Bởi trong vụ việc này, ngoài nhu cầu, lợi ích khác nhau còn có cả cách hiểu và vận dụng pháp luật khác nhau, thậm chí có chỗ còn có thể xem là pháp luật (cụ thể là Luật Đất đai, Luật Khiếu nại, Tố cáo, một số quy định về tố tụng...) đã chưa có sự chặt chẽ. Lẽ ra trong bối cảnh đó, đôi bên cùng ngồi lại trao đổi, tìm hiểu rõ nhu cầu và lợi ích của nhau để có hướng giải quyết thỏa đáng thì gần như mỗi bên đã tự hành động theo cách của mình. Hậu quả đó không chỉ cho các cá nhân liên quan mà còn đối với chính quyền và hệ thống chính trị nói chung.
Mặt khác, trong quá trình tổ chức thực hiện quyền hành chính của mình, chính quyền xã và huyện cũng tỏ ra chưa thực sự tôn trọng dân, chưa lắng nghe ý kiến dân một cách cầu thị và có trách nhiệm. Vì vậy, những nguyện vọng và vướng mắc của người dân không được biết đến hoặc có biết đến nhưng không được quan tâm và giải quyết thấu đáo. Điều đó tạo ra sự mất lòng tin và bức xúc trong những gia đình bị cưỡng chế nói riêng và người ở địa phương nói chung.
Ngay cả đến khi tổ chức cưỡng chế, việc quan trọng trong buổi cưỡng chế vẫn là vận động, thuyết phục chứ không phải dùng công cụ trấn áp một cách quyết liệt và triệt để. Điều này không chỉ tạo điều kiện để người dân chấp hành quyết định cưỡng chế tự nguyện mà còn tránh gây thiệt hại về tính mạng và tài sản cho đôi bên (như đã diễn ra).
Thực tế cho thấy, trong nhiều vụ tranh chấp giữa chính quyền cơ sở và người dân, sự đối thoại là vô cùng cần thiết. Có đối thoại thì chính quyền mới nói được đầy đủ yêu cầu, mục đích hợp pháp, chính đáng của mình (nhiều khi chỉ nói được với một số đối tượng cụ thể với tính đặc thù riêng); còn người dân mới có cơ hội được nêu lên tâm tư, nguyện vọng, lợi ích (cả hợp pháp và chưa hợp pháp, cả chính đáng và chưa chính đáng) của mình. Từ đó, chính quyền có thể tiếp tục vận động, thuyết phục, hoặc điều chỉnh quyết định của mình sao cho đảm bảo lợi ích hài hòa, chính đáng, hợp pháp của cả nhà nước, nhà quản lý và người dân. Nhiều trường hợp đến ngay thời điểm tổ chức cưỡng chế, nếu chính quyền có biện pháp đối thoại hợp lý, người dân cũng đã tự nguyện bàn giao, không nhất thiết phải sử dụng công cụ trấn áp. Vì vậy, công tác tư tưởng và công tác dân vận phải được xem trọng đúng mức. Trong đó, chính quyền, người thực hiện quyền lực nhà nước, phải đặt mình vào vị trí của nhân dân để xác định cho đúng tính chất vụ việc cũng như nguyện vọng và lợi ích của nhân dân.
Như vậy, trong quản lý nhà nước, chính quyền cơ sở cần sử dụng đồng thời cả các phương pháp vận động - giáo dục - thuyết phục, kinh tế chứ không chỉ có biện pháp hành chính – mệnh lệnh – cưỡng chế, trong từng hoàn cảnh và đối tượng cụ thể. Có như vậy mới hạn chế tạo ra sự mâu thuẫn, tranh chấp không đáng có giữ nhà quản lý và nhân dân cũng như tránh gây ra xung đột đáng tiếc.
Vụ việc Tiên Lãng có thể xem là một bài học lớn trong việc mở rộng dân chủ cũng như phát huy cơ chế đối thoại hai chiều giữa chính quyền cơ sở với nhân dân.
Bài đã đăng báo Sài Gòn Giải phóng ngày 9-2-2012

Bài tham khảo

CHÀO NĂM NHÂM THÌN:
NĂM MỚI – NIỀM VUI MỚI, THÁCH THỨC MỚI
NGUYỄN MINH HẢI

Năm 2012 gọi theo âm lịch là Nhâm Thìn. Với lịch tính theo chu kỳ quay của mặt trăng hiện được nhiều nước châu Á sử dụng, Nhâm là một trong số 10 can của Thiên can; Nhâm chỉ hạt quả (trái) cây được phát tán rộng rãi khắp nơi, bắt đầu chuẩn bị nảy mầm. Thìn là một trong số 12 chi của Địa chi; Thìn mang ý nghĩa là phấn chấn, chỉ trạng thái bao phủ của thực vật trên khắp mặt đất. Như vậy, Nhâm Thìn là năm mà cây cối sinh sôi, hiểu rộng ra là năm rơi vào chu kỳ mà vạn vật phát triển mạnh mẽ. Năm Thìn tương ứng với rồng.
Quan niệm Á Đông cho rằng rồng là con vật hùng mạnh và được kính trọng nhất trong số mười hai con giáp. Nó tượng trưng cho tham vọng và thống trị, đồng thời là con vật linh thiêng và mang tính thần thánh. Vì vậy, người sinh vào năm Thìn được cho là tràn đầy năng lượng và sức mạnh, là “năm tốt”. Ở một số nước, rồng tượng trưng cho hoàng đế hoặc quyền lực, chỉ sự thịnh vượng, cát tường.
Đặt yếu tố quan niệm truyền thống qua một bên, nhìn bằng con mắt duy vật biện chứng từ những điều thực tế, năm Nhâm Thìn 2012 ở nước ta quả là có những thuận lợi, thể hiện ở:
Thứ nhất, năm 2012, sau khoảng trên dưới 1 năm hoàn tất đại hội đảng các cấp, tiến hành thành công cuộc bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp, định hướng phát triển kinh tế – xã hội nhiệm kỳ mới với bộ khung lãnh đạo mới rõ ràng là tạo nên sức sống mới. Sau thời gian thích nghi, ổn định, năm mới này sẽ thực sự tăng tốc để thúc đẩy địa phương, ngành và đất nước phát triển.
Thứ hai, ở tầm vĩ mô, nhiều chủ trương, chính sách được triển khai từ năm 2011 sẽ tiếp tục được duy trì và phát huy kết quả tích cực trong năm mới. Chẳng hạn, việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh càng đi vào chiều sâu với tính chất thường xuyên và hàng ngày; hay Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ về ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội đã đạt kết quả rất tích cực về nhiều mặt...
Thứ ba, một số biểu hiện trong quản lý, điều hành được nhân dân tin tưởng. Trong đó, vai trò của Quốc hội khóa XIII được cho là có nhiều nét mới, từ chương trình hoạt động đến không khí tranh luận, chất vấn. Một số vấn đề lớn như xây dựng Luật Biểu tình, vấn đề chủ quyền Hoàng Sa... được nêu công khai, thể hiện quan điểm mới, phù hợp với nguyện vọng nhân dân. Hoạt động đối ngoại sôi động, tích cực, tiếp tục khẳng định vị thế nước ta trên trường quốc tế.
Ở TP.HCM, không khí lạc quan, phấn khởi càng thể hiện rõ. Kinh tế tiếp tục tăng trưởng ổn định và làm đầu tàu cho cả nước. Một công trình mang tầm cỡ khu vực là Đường hầm sông Sài Gòn được khánh thành làm nức lòng người dân thành phố. Một số chương trình xã hội thiết thực, hiệu quả và mang tính nhân văn sâu sắc đã được triển khai trong năm 2011 và sẽ còn tiếp tục phát huy trong năm 2012 như bình ổn giá một số mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, không tăng giá nhà trọ cho sinh viên – công nhân khó khăn, chăm lo cho người lao động nghèo vui Tết...
Có thể nói, năm 2012 là một năm tốt lành. Niềm tin đó xuất phát từ những chủ trương, chính sách (cũng là nguyện vọng của Đảng, Nhà nước và toàn dân) và kết quả thực tế đã diễn ra (sự nỗ lực của toàn hệ thống chính trị và sự hài lòng của người dân).
Tuy nhiên, niềm vui mới cũng đi liền với những thách thức mới. Thách thức đó bao gồm cả những yếu tố khách quan lẫn chủ quan.
Mặt khách quan là những biến động khó lường của tình hình kinh tế thế giới. Trong xu thế toàn cầu hóa, sự tác động, ảnh hưởng lẫn nhau là rất rõ nét; trong khi đó, sự suy thoái kinh tế vẫn diễn biến phức tạp. Khủng hoảng nợ ở châu Âu dĩ nhiên ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu và thu hút đầu tư của Việt Nam. Ở trong nước, tình hình thiên tai, dịch bệnh cũng luôn khó dự báo và thường ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế. Hay vấn đề biển Đông cũng tiềm ẩn những căng thẳng không chỉ ảnh hưởng đến quan hệ ngoại giao mà còn tác động đến tâm tư, tình cảm của người dân.
Mặt chủ quan vẫn là những hạn chế trong quản lý, điều hành cũng như những khuyết tật của nền kinh tế. Năng lực, phẩm chất của một bộ phận cán bộ, đảng viên vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới. Tình trạng tham nhũng, lãng phí vẫn còn diễn ra, có lúc có nơi gây nên những bức xúc trong nhân dân. Việc phát triển kinh tế theo chiều rộng dẫn đến thâm dụng vốn, làm nạn lạm phát trở nên khó kiềm chế, đồng thời tác hại đến môi trường tự nhiên lẫn môi trường sống... là những khiếm khuyết cần sớm khắc phục.
Năm mới, tư tưởng lạc quan là chủ đạo. Nhưng cũng không vì thế mà không nhìn thẳng vào sự thật, mạnh dạn tìm ra những thiếu sót, hạn chế mà có phương phướng sửa chữa phù hợp. Trên tinh thần đó, năm Nhâm Thìn sẽ tạo tiền đề cho đất nước phát triển mạnh mẽ, sớm hóa rồng, điều mà hơn ngàn năm trước, cha ông ta đã mong mỏi!

20 NĂM SAU

Có một phần mềm dự báo gương mặt con người sau 20 năm
Trang web in20years.com (http://in20years.com/) cung cấp những công cụ giúp người dùng hình dung khuôn mặt họ sẽ thay đổi như thế nào sau 20 năm.
Chỉ cần tải lên một tấm ảnh, trang web này sẽ tự động xử lý và cho ra bức ảnh trong tương lai. Đầu tiên người dùng truy cập vào địa chỉ www.in20years.com, giao diện web sẽ hiện ra.
Sau đó tại ô Gender chọn giới tính Male (nam) hoặc Female (nữ); Age: chọn sau 20 hoặc 30 năm nữa và Drug Addict: có nghiện thuốc hay không.
Tiếp theo nhấp Upload Your Photo rồi nhấp tiếp nút Browse để chọn đến file ảnh trên máy tính của bạn.
Lưu ý là phải chọn ảnh chân dung chụp rõ gương mặt, nên chọn ảnh chụp trực diện. Nếu chương trình không nhận diện được khuôn mặt thì sẽ báo lỗi.
Lúc đó bạn phải thay một tấm ảnh khác hiển thị rõ gương mặt hơn. Nếu ảnh được chấp nhận thì trang web sẽ tự động được chuyển qua trang kết quả. Tại đây bạn sẽ thấy được khuôn mặt của mình sau 20 năm nữa sẽ trông như thế nào.
Tiến hành Save image để tải ảnh thành phẩm về. Nếu muốn làm tiếp ảnh khác thì vào mục Upload New Photo và thực hiện thao tác tương tự như ảnh trước.
Mục Photo URL giúp người dùng liên kết chia sẻ ảnh với bạn bè. Nếu chọn Yes ở mục Drug Addict thì gương mặt sẽ già và nhăn hơn nhiều so với không người không nghiện thuốc lá.
Các bạn thử nhé!