Thứ Bảy, 31 tháng 12, 2011

CHÚC MỪNG NĂM MỚI!

Hôm qua, 30-12, lớp đã làm được một số việc quan trọng trước khi nghỉ tết Dương lịch: làm bài kiểm tra 45p và hoàn tất môn GDQP. Vậy là còn 2 môn học nữa cùng 3 bài thi trước khi nghỉ tết Nguyên đán. Trong hơn 4 tháng đã hoàn tất hơn 1/2 chương trình. Cùng bao vui buồn, kỷ niệm và những kinh nghiệm...
Nhân dịp năm mới, chúc tất cả các anh chị trong lớp luôn mạnh khỏe, may mắn, thành công trong cuộc sống, học tập và sự nghiệp.
Chúc cho C2 chúng ta sẽ đạt những kết quả tốt nhất sau khóa học.

Thứ Hai, 26 tháng 12, 2011

TRỜI LẠNH...

Hôm nay trời lạnh hơn những hôm khác. Anh em nhiều người phải mặc áo ấm. Các cô còn quấn khăn choàng cổ. Hai cô gái Đà Lạt có thêm đồng minh - bởi bình thường gần như chỉ có hai cô mặc áo ấm, nay thì không sợ bị chọc: Con gái xứ Đà Lạt mà lạnh gì... Ngay cả anh Nam (Tống), anh Hùng, bạn Thanh Thảo vốn đi ô tô mà cũng "phòng thủ" kỹ! Trời lạnh nên có anh em sụt sịt.
Mỗi giờ giải lao, anh em túa nhau ra hàng hiên hoặc ra sân để tắm nắng, ít còn ngồi ở hàng ghế đá nữa (và hình như hút thuốc nhiều hơn...). Nắng sớm ấm nhưng trời vẫn lạnh. Hai cây hoa sứ (hoa đại) rụng trụi cả lá. Vậy mà hoa đã bắt đầu nở hồng phớt. Còn cây móng bò thì đã nở hoa biêng biếc.
Xuân đang về. Mới đó mà lớp đã qua nửa chặng đường rồi...
Tự nhiên thấy thương C2 quá!

Bài tham khảo môn Quan hệ quốc tế

MỘT SỐ NÉT VỀ TÌNH HÌNH ĐỐI NGOẠI Ở NƯỚC TA

I - ĐƯỜNG LỐI ĐỐI NGOẠI CỦA ĐẢNG THỜI KÌ TRƯỚC ĐỔI MỚI (1975 – 1986)
1.1 Hoàn cảnh lịch sử
1.1.1 Tình hình trong nước
 Năm 1975 nước ta hoàn toàn giải phóng, tổ quốc hòa bình, thống nhất cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội với khí thế của một dân tộc vừa giành được thắng lợi vĩ đại. Công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội đã đạt được một số thành tựu quan trọng. Đây cũng chính là thuận lợi cơ bản của nước ta. Nhưng ngoài những mặt thuận lợi trên thì nước ta cũng đã gặp vô vàn khó khăn trong thời kì này. Chiến tranh vừa kết thúc thì nước ta phải tập trung vào công cuộc khắc phục hậu quả nặng nề của hơn 30 năm chiến tranh, thì lại xảy ra hai cuộc chiến là chiến tranh biên giới Tây Nam với Campuchia, và cuộc chiến biên giới phía Bắc với Trung Quốc. Hai cuộc chiến này đã làm suy giảm tiềm lực của đất nước. Bên cạnh đó, các thế lực thù địch sử dụng những âm mưu thâm độc phá hoại nước ta. Đại hội Đảng lần V (3-1982) nhận định “Nước ta đang ở trong tình thế vừa có hòa bình vừa phải đương đầu với một kiểu chiến tranh phá hoại nhiều mặt”. Mặt khác do tư tưởng chủ quan, nóng vội, muốn tiến nhanh lên chủ nghĩa xã hội trong một thời gian ngắn đã dẫn đến những khó khăn về kinh tế xã hội.
1.1.2 Tình hình thế giới:
Trong khi đó trên thế giới, sự tiến bộ nhanh chóng của cuộc cách mạng khoa học – công nghệ đã thúc đẩy lực lượng sản xuất thế giới phát triển mạnh mẽ; Nhật Bản và Tây Âu vươn lên trở thành hai trung tâm lớn của kinh tế thế giới; xu thế chạy đua phát triển kinh tế đã dẫn đến cục diện hòa hoãn của các nước lớn. Với thắng lợi của cách mạng Việt Nam và các nước Đông Dương, hệ thống xã hội chủ nghĩa đã mở rộng phạm vi, phong trào cách mạng thế giới phát triển mạnh. Đảng ta nhận định: Hệ thống nước xã hội chủ nghĩa đã và đang lớn mạnh không ngừng; phong trào độc lập dân tộc và phong trào cách mạng của giai cấp công nhân đang trên đà phát triển mạnh. Tuy nhiên, đến giữa thập kỉ 70, tình hình kinh tế - xã hội ở các nước xã hội chủ nghĩa xuất hiện sự trì trệ và mất ổn định. Trong các nước xã hội chủ nghĩa cũng xuất hiện những mâu thuẫn bất đồng. Tình hình Đông Nam Á cũng đã có những chuyển biến mới. Sau năm 1975, Mỹ đã rút quân khỏi Đông Nam Á lục địa: khối quân sự SEATO tan rã; ngày 24 – 2 – 1976, các nước ASEAN ký hiệp ước thân thiện và hợp tác ở Đông Nam Á (gọi tắt là hiệp ước Bali), mở ra cục diện hòa bình hợp tác trong khu vực.
1.2 Chủ trương đường lối đối ngoại của Đảng
Tại đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV (12-1976), Đảng ta xác định nhiệm vụ đối ngoại là “ra sức tranh thủ những điều kiện quốc tế thuận lợi để nhanh chóng hàn gắn những vết thương chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế, phát triển văn hóa, khoa học kỹ thuật, củng cố quốc phòng, xây dựng cơ sở vật chất kĩ thuật của chủ nghĩa xã hội ở nướ ta”.
Trong quan hệ với các nước, Đại hội IV chủ trương củng cố và tăng cường tình đoàn kết chiến đấu và quan hệ và quan hệ hợp tác với tất cả các nước xã hội chủ nghĩa; bảo vệ và phát triển mối quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào – Campuchia; sẵn sàng thiết lập, phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trong khu vực; thiết lập và mở rộng quan hệ bình thường giữa Việt Nam với tất cả các nước trên cơ sở tôn trọng độc lập chủ quyền, bình đẳng và cùng có lợi.
Từ giữa năm 1978, Đảng ta đã điều chỉnh một số chủ trương, chính sách đối ngoại như: Chú trọng củng cố tăng cường hợp tác về mọi mặt với Liên Xô, coi quan hệ với Liên Xô là hòn đá tảng trong chính sách đối ngoại của Việt Nam ; nhấn mạnh yêu cầu ra sức bảo vệ mối quan hệ đặc biệt Việt – Lào trong bối cảnh vấn đề Campuchia đang diễn biến phức tạp; chủ trương góp phần xây dựng khu vực Đông Nam Á hòa bình tự do, trung lập ổn định; đề ra yêu cầu mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại. Tại đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V (3-1982), Đảng ta xác định: Công tác đối ngoại phải trở thành một mặt trận chủ động, tích cực trong đấu tranh nhằm làm thất bại chính sách của các thế lực hiếu chiến mưu toan chống phá cách mạng nước ta. Về quan hệ với các nước, Đảng tiếp tục nhấn mạnh đoàn kết và hợp tác toàn diện với Liên Xô; xác định quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào – Campuchia có ý nghĩa sống còn đối với vận mệnh của ba dân tộc; kêu gọi các nước ASEAN hãy cùng các nước Đông Dương đối thoại và thương lượng để giải quyết các trở ngại giữa hai bên; chủ trương khôi phục quan hệ bình thường với Trung Quốc trên cơ sở các nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình; chủ trương thiết lập và mở rộng quan hệ bình thường về mặt nhà nước, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật. Trên thực tế cho thấy, ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Việt Nam giai đoạn (1975-1986) là xây dựng mối quan hệ hợp tác toàn diện với Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa; củng cố và tăng cường đoàn kết hợp tác với Lào và Campuchia; mở rộng quan hệ hữu nghị với các nước không liên kết và không phát triển; đấu tranh với sự bao vây, cấm vận của các thế lực thù địch.
1.3 Kết quả của việc thực hiện đường lối đối ngoại của nước ta
Trong 10 năm trước đổi mới, quan hệ đối ngoại của Việt Nam với các nước xã hội chủ nghĩa được tăng cường, trong đó đặc biệt là với Liên Xô.
Thực hiện chủ trương mở rộng quan hệ với các nước, các tổ chức quốc tế, từ năm 1975 đến năm 1977, nước ta đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 23 nước.
Về việc thiết lập quan hệ ngoại giao với các nước còn lại trong tổ chức ASEAN đã tạo thuân lợi cho việc triển khai các hoạt động đối ngoại trong giai đoạn sau nhằm xây dựng Đông Nam Á trở thành khu vực hòa bình hữu nghị và hợp tác.
Bên cạnh những kết quả đạt được ở trên, nhìn tổng quát, từ năm 1975 đến năm 1986, quan hệ quốc tế của Việt Nam cũng gặp những trở ngại lớn. Từ những năm cuối của thập kỉ 70, nước ta bị bao vây, cấm vận vế kinh tế, cô lập về chính trị, vừa phải đương đầu với “một kiểu chiến tranh phá hoại nhiều mặt” của các thế lực thù địch. Những hạn chế của đối ngoại Việt Nam giai đoạn này suy cho cùng đều xuất phát từ nguyên nhân cơ bản được Đại hội Đảng lần thứ VI chỉ ra “là bệnh chủ quan, duy ý chí, lối suy nghĩ và hành động đơn giản; nóng vội chạy theo nguyện vọng chủ quan”.

II - ĐƯỜNG LỐI ĐỐI NGOẠI HỘI NHẬP KINH TẾ QUỐC TẾ CỦA ĐẢNG THỜI KÌ ĐỔI MỚI (1986 ĐẾN 2006)
2.1 Hoàn cảnh lịch sử
Tình hình nước ta và thế giới thời kì đổi mới:
Từ giữa thập kỷ 80, cuộc cách mạng khoa hộc công nghệ (đặc biệt là công nghệ thông tin) tiếp tục phát triển mạnh mẽ, tác động sâu sắc đến mọi mặt đời sống của các quốc gia dân tộc. Các nước xã hội chủ nghĩa lâm vào khủng hoảng sâu sắc. Đến đầu thập kỷ 90, chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô sụp đổ, dẫn đến những biến đổi to lớn về quan hệ quốc tế. Trật tự thế giới được hình thành từ sau chiến tranh thế giới thứ hai trên cơ sở hai khối độc lập do Liên Xô và Hoa kỳ đứng đầu (trật tự thế giới hai cực) tan rã, mở ra hình thành một trật tự thế giới mới. Trong thời kỳ này, những cuộc chiến tranh cục bộ xung đột, tranh chấp vẫn còn, nhưng xu thế của thế giới là hòa bình hợp tác và phát triển.Trước diễn biến mới của tình hình thế giới, các quốc gia, các tổ chức và lực lượng chính trị quốc tế thực hiện điều chỉnh chiến lược đối nội, đối ngoại và phương thức hành động cho phù hợp với nhu cầu nhiệm vụ bên trong và xu hướng phát triển của thế giới. Xu thế chạy đua phát triển kinh tế khiến các nước, nhất là những nước đang phát triển đã đổi mới tư duy đối ngoại, thực hiện chính sách đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế; mở rộng và tăng cường liên kết, hợp tác với các nước phát triển để tranh thủ vốn, kỹ thuật, công nghê, mở rộng thị trường, học tập kinh nghiệm tổ chức, quản lý sản xuất kinh doanh. Các nước cũng đổi mới tư duy về quan niệm sức mạnh, vị thế quốc gia. Thay thế cách đánh giá cũ, chủ yếu dựa vào sức mạnh quân sự bằng các tiêu chí tổng hợp, trong đó sức mạnh kinh tế và khoa học công nghệ được đặt ở vị trí quan trọng hàng đầu. Xu thế toàn cầu hóa và tác động của nó: Dưới góc độ kinh tế, toàn cầu hóa là quá trình lực lượng sản suất và quan hệ kinh tế quốc tế phát triển vượt qua các rào cản bởi biên giới quốc gia và khu vực, lan tỏa ra phạm vi toàn cầu, trong đó hàng hóa, vốn, tiền tệ, thông tin, lao động… vận động thông thoáng; sự phân công lao động mang tính quốc tế. Những tác động tích cực của toàn cầu hóa là: Trên cơ sở thị trường được mở rộng, trao đổi hàng hóa tăng mạnh đã thúc đẩy phát triển sản xuất nhà nước; nguồn vốn, khoa học công nghệ, kinh nghiệm quản lý cùng các hình thức đầu tư, hợp tác khác mang lại lợi ích cho các bên hợp tác. Mặt khác toàn cầu hóa làm tăng tính tùy thuộc lẫn nhau, nâng cao sự hiểu biết giữa các quốc gia, thuận lợi cho việc xây dựng môi trường hòa bình, hữu nghị và hợp tác giữa các nuớc Những tác động tiêu cực của toàn cầu hóa là: Xuất phát từ việc các nước công nghiệp phát triển thao túng, chi phối quá trình toàn cầu hóa tạo nên sự bình đẳng trong quan hệ quốc tế và làm tăng sự phân cực giữa nước giàu và nước nghèo. Đại hội Đảng lần thứ IX chỉ rõ: “Toàn cầu hóa kinh tế là một xu thế khách quan, lôi cuốn ngày càng nhiều nước tham gia chi phối, chứa đựng nhiều mâu thẫn, vừa có mặt tích cực vừa có mặt tiêu cực, vừa có hợp tác vừa có đấu tranh.” Thực tế cho thấy rằng, các nước muốn tránh khỏi nguy cơ bị biệt lập, tụt hậu, kém phát triển thì phải tích cực, chủ động tham gia vào quá trình toàn cầu hóa, đồng thời phải có bản lĩnh cân nhắc một cách cẩn trọng các yếu tố bất lợi để vượt qua. Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương: Từ thập kỷ 90, tình hình khu vực có những chuyển biến mới: Trước hết, trong khu vực vẫn tồn tại những bất ổn, như vấn đề hạt nhân, vấn đề tranh chấp lãnh hải thuộc vùng biển Đông và việc các nước tăng cường vũ trang, nhưng Châu Á – Thái Bình Dương vẫn được đánh giá là khu vực ổn định; hai là, Châu Á – Thái Bình Dương có tiềm lực lớn và năng động về phát triển kinh tế. Xu thế hòa bình và hợp tác trong khu vực phát triển mạnh.
Tại Việt Nam Sự bao vây, chống phá của các thế lực thù địch đối với Việt Nam từ nữa cuối thập kỷ 70 tạo nên tình trạng căng thẳng, mất ổn định trong khu vực và gây khó khăn, cản trở cho sự phát triển của các mạng Việt Nam, là một trong những nguyên nhân dẫn đến cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội nghiêm trọng ở nước ta. Vì vậy, vấn đề giải tỏa tình trạng đối đầu, thù địch, phá thế bị bao vây, cấm vận, tiến tới bình thường hóa và mở rộng quan hệ hợp tác với các nước, tạo môi trường quốc tế thuận lợi để tập trung xây dựng kinh tế là nhu cầu cần thiết và cấp bách đối với nước ta. Ở trong nước, do hậu quả nặng nề của chiến tranh và các khuyết điểm chủ quan khác, nền kinh tế Việt Nam lâm vào khủng hoảng nghiêm trọng, Nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới là một trong những thách thức lớn đối với cách mạng Việt Nam. Vì vậy, nhu cầu chống tụt hậu về kinh tế đặt ra gay gắt để thu hẹp khoảng cách phát triển giữa nước ta với các quốc gia khác, ngoài việc phát huy tối đa các nguồn lực trong nước; còn phải tranh thủ các nguồn lực bên ngoài, trong đó hợp tác kinh tế với các nước và tham gia vào cơ chế hợp tác đa phương có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
2.2 Quá trình hình thành và phát triển đường lối đối ngoại
Thời kỳ đổi mới của Đảng ta được đánh dấu bởi các mốc lớn như sau:
- Nghị quyết số 13 của Bộ Chính trị (khóa VI) tháng 5-1988 là mốc khởi đầu của quá trình đổi mới tư duy, nhận thức và đường lối đối ngoại của Đảng ta. Nghị quyết nhận định rằng, tình trạng kinh tế yếu kém, tình thế bị bao vây về kinh tế và cô lập về chính trị sẽ thành nguy cơ lớn đối với an ninh và độc lập dân tộc. Từ đó, đề ra nhiệm vụ ra sức tranh thủ các nước anh em, bè bạn và dư luận rộng rãi trên thế giới, phân hóa hàng ngũ đối phương, làm thất bại âm mưu cô lập ta về kinh tế và chính trị; chủ động chuyển cuộc đấu tranh từ trạng thái đối đầu sang đấu tranh và hợp tác trong cùng tồn tại hòa bình; ra sức lợi dụng sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - kỹ thuật và xu thế quốc tế hóa cao của kinh tế thế giới, đồng thời tranh thủ vị trí tối ưu trong phân công lao động quốc tế.
- Hội nghị Trung ương 6 (tháng 3-1989), Hội nghị Trung ương 7 (tháng 8-1989) và Hội nghị Trung ương 8 (tháng 3-1990) của khóa VI với "các nguyên tắc cơ bản cần được quán triệt trong quá trình đổi mới" và các nghị quyết "Một số vấn đề cấp bách về công tác tư tưởng trước tình hình trong nước và quốc tế hiện nay", "Tình hình các nước xã hội chủ nghĩa, sự phá hoại của chủ nghĩa đế quốc và nhiệm vụ cấp bách của Đảng ta" đã tập trung đánh giá tình hình thế giới liên quan đến những biến động xảy ra ở Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu, đề ra các quyết sách đối phó với những tác động phức tạp từ diễn biến của tình hình thế giới đối với nước ta và công cuộc đổi mới ở Việt Nam.
- Hội nghị Trung ương 3, khóa VII (tháng 6-1992) đã ra Nghị quyết chuyên đề về công tác đối ngoại. Nghị quyết xác định rõ nhiệm vụ công tác đối ngoại, tư tưởng chỉ đạo chính sách đối ngoại, các phương châm xử lý các vấn đề quan hệ quốc tế; đề ra chủ trương mở rộng, đa phương hóa, đa dạng hóa các mối quan hệ đối ngoại của Việt Nam, cả về chính trị, kinh tế, văn hóa..., trên cơ sở giữ vững độc lập tự chủ và các nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, hợp tác bình đẳng và cùng có lợi, bảo vệ và phát triển kinh tế, giữ gìn và phát huy những truyền thống tốt đẹp và bản sắc văn hóa dân tộc... Nghị quyết Trung ương 3, khóa VII là văn kiện đánh dấu sự hình thành đường lối đối ngoại của Đảng ta cho thời kỳ đổi mới toàn diện đất nước.
- Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII (tháng 1-1994) và Đại hội VIII (tháng 6-1996) của Đảng ta đã chính thức khẳng định đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ với tinh thần "Việt Nam muốn là bạn của tất cả các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển".
- Đại hội IX của Đảng (tháng 4-2001) khẳng định Đảng và Nhà nước ta tiếp tục thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại đó với một tinh thần mạnh mẽ hơn và một tâm thế chủ động hơn bằng tuyên bố "Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển".
- Hội nghị Trung ương 8, khóa IX (tháng 7-2003) đã ra Nghị quyết về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, trong đó đề cập nhiều nội dung hết sức quan trọng về đối ngoại, đặc biệt là ba vấn đề: về các mâu thuẫn của thế giới hiện nay; về lợi ích của Việt Nam; về đối tượng, đối tác. Cần nhấn mạnh vấn đề cốt lõi trong mọi hoạt động đối ngoại là phải tìm cách thực hiện tối đa lợi ích của đất nước. Do đó, việc nhận thức thật rõ lợi ích của đất nước ta, dân tộc ta là điều vô cùng quan trọng. Hội nghị Trung ương 8, khóa IX đã khẳng định một lần nữa: "độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là mục tiêu cơ bản của cách mạng và cũng là lợi ích căn bản của quốc gia", "kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội, lấy việc giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo định hướng xã hội chủ nghĩa là lợi ích cao nhất của Tổ quốc". Hội nghị cũng đã nhấn mạnh cách nhìn biện chứng về đối tượng, đối tác: "trong mỗi đối tượng vẫn có thể có mặt cần tranh thủ, hợp tác; trong một số đối tác, có thể có mặt khác biệt, mâu thuẫn với lợi ích của ta", làm cơ sở mở rộng và phát triển các mối quan hệ vừa hợp tác vừa đấu tranh với các chủ thể quan hệ quốc tế.
- Đại hội X của Đảng (tháng 4-2006) đã khẳng định: "Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế. Chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời mở rộng hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực khác. Việt Nam là bạn, đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, tham gia tích cực vào tiến trình hợp tác quốc tế và khu vực".
2.3 Đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam về vấn đề đối ngoại:
Từ năm 1991 đến nay, hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước Việt Nam diễn ra cùng một lúc trên 4 mặt :
- Một là, tạo dựng và củng cố môi trường hòa bình, ổn định cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Việc củng cố và thúc đẩy các mối quan hệ song phương, nhất là quan hệ với các nước láng giềng và các nước trong khu vực có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với việc thực hiện nhiệm vụ quan trọng này. Nhận thức rõ điều đó, hoạt động đối ngoại đã tập trung giải quyết vấn đề Campuchia và bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc. Đồng thời triển khai mạnh mẽ các hoạt động ngoại giao song phương cấp cao với các nước ASEAN, chủ động tham gia các hoạt động của Hiệp hội và năm 1995, Việt Nam chính thức tham gia ASEAN. Việc Việt Nam gia nhập ASEAN là một quyết định đúng đắn và kịp thời. Cùng với việc giải quyết hòa bình vấn đề Campuchia, bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, nối lại quan hệ với các tổ chức tài chính quốc tế, ký Hiệp định khung với với Liên minh châu Âu, bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Mỹ, củng cố và mở rộng quan hệ với các nước bạn bè truyền thống, các nước độc lập dân tộc và các nước đang phát triển ở châu á, Trung Đông, châu Phi, Mỹ La-tinh và các nước công nghiệp phát triển trên thế giới. Việt Nam gia nhập ASEAN góp phần phá thế bị bao vây, cô lập, tạo ra môi trường hòa bình, ổn định và thuận lợi hơn cho sự nghiệp xây dựng đất nước, đưa Việt Nam hội nhập về kinh tế với khu vực và quốc tế. Mặt khác, để góp phần bảo đảm an ninh và ổn định cho đất nước, hoạt động đối ngoại của Việt Nam đã góp phần chủ động và tích cực giải quyết những vấn đề tồn tại với các nước láng giềng và các nước ở khu vực như đàm phán và ký Hiệp định biên giới với Lào, thỏa thuận về khai thác chung với Ma-lai-xi-a trên vùng chồng lấn, phân định vùng chồng lấn với Thái Lan, đàm phán và ký Hiệp định về biên giới trên bộ với Trung Quốc và đang đàm phán để có thể ký Hiệp định về phân định vịnh Bắc Bộ với Trung Quốc trong năm 2000, tiếp tục đàm phán với In-đô-nê-xi-a về phân định thềm lục địa, tiếp tục đàm phán với Campuchia để giải quyết những vấn đề còn tồn đọng về biên giới lãnh thổ. Hoạt động đối ngoại cũng đã góp phần kiên quyết đấu tranh chống âm mưu và hành động lợi dụng chiêu bài "nhân quyền", "dân chủ" và "tự do tín ngưỡng" để can thiệp vào công việc nội bộ Việt Nam. Toàn bộ các hoạt động trên đã góp phần quan trọng và thiết thực vào việc tạo dựng môi trường khu vực tương đối ổn định và thuận lợi cho đất nước trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
- Hai là, ra sức tranh thủ những điều kiện quốc tế thuận lợi góp phần vào công cuộc phát triển đất nước, mở rộng hợp tác kinh tế. Đây là một nhiệm vụ trọng tâm của ngoại giao Việt Nam thời kỳ đổi mới. Nhờ những thành tựu quan trọng của công cuộc đổi mới và chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế, Việt Nam đã làm thất bại chính sách bao vây cấm vận của Mỹ và đồng minh, mở rộng và đa dạng hóa thị trường, thúc đẩy quan hệ kinh tế thương mại song phương với hơn 130 nước và lãnh thổ, đón nhận nguồn đầu tư trên 36 tỷ USD của hơn 60 nước và lãnh thổ, tranh thủ hơn 13 tỷ USD từ nguồn viện trợ ưu đãi chính thức của các chính phủ và các tổ chức quốc tế và hàng tỷ USD viện trợ không hoàn lại của nhiều chính phủ và các tổ chức quốc tế thuộc hệ thống Liên hợp quốc và các tổ chức phi chính phủ. Việc tạo dựng môi trường quốc tế hòa bình, tăng cường hợp tác, mở rộng thị trường, tranh thủ vốn, công nghệ phục vụ cho sự nghiệp xây dựng đất nước cũng là sự đóng góp trực tiếp và thiết thực cho yêu cầu bảo đảm an ninh. Dưới tác động của cuộc cách mạng khoa học - công nghệ, lực lượng sản xuất phát triển nhanh và quốc tế hóa cao độ, đẩy nhanh xu thế toàn cầu hóa. Trong bối cảnh đó, các nước đều tìm cách giành cho mình một vị thế xứng đáng trong phân công lao động quốc tế, tranh thủ vốn, công nghệ, kỹ năng quản lý để phát triển, đấu tranh để bảo vệ lợi ích của mình. Nhận rõ xu thế đó, Việt Nam đã đề ra chủ trương hội nhập và kiên trì thực hiện chủ trương đó. Đại hội lần thứ VIII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã quyết định "đẩy nhanh quá trình hội nhập kinh tế khu vực và thế giới". Từ đầu những năm 90 Việt Nam đã khai thông quan hệ với các tổ chức tài chính quốc tế, tiếp đó năm 1995 chính thức gia nhập ASEAN và tham gia AFTA. Năm 1996 Việt Nam tham gia Diễn đàn hợp tác á - Âu (ASEM) với tư cách là thành viên sáng lập và năm 1998 trở thành thành viên chính thức của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu á - Thái Bình Dương (APEC). Việt Nam cũng đã đàm phán và ký Hiệp định Thương mại với Mỹ và đang đàm phán về việc gia nhập WTO, mức hội nhập cao nhất, rộng nhất, có ý nghĩa quan trọng đối với việc thiết lập môi trường buôn bán và quan hệ hợp tác kinh tế với toàn bộ thế giới.
- Ba là, nâng cao vị thế nước nhà trên trường quốc tế. Thực hiện đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, đến nay Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 167 nước thuộc tất cả các châu lục và lần đầu tiên trong lịch sử có quan hệ bình thường với tất cả các nước lớn, các ủy viên thường trực của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc. Trong điều kiện quốc tế ngày nay khi quá trình hội nhập ngày càng được xúc tiến nhanh, ngoại giao đa phương ngày càng giữ một vị trí quan trọng, góp phần nâng cao vị thế quốc tế của đất nước trên thế giới. Việt Nam đã hoạt động tích cực với vai trò ngày càng tăng tại Liên hợp quốc (ủy viên ECOSOC, ủy viên Hội đồng chấp hành UNDP, UNFPA và UPU...), phát huy vai trò thành viên tích cực của phong trào Không liên kết, Cộng đồng các nước có sử dụng tiếng Pháp, ASEAN; Việt Nam tổ chức thành công Hội nghị cấp cao Cộng đồng các nước có sử dụng tiếng Pháp năm 1997 và đặc biệt là Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 6 năm 1998 đã góp phần quan trọng nâng cao uy tín và vị thế của đất nước. Có thể nói ngoại giao đa phương là một điểm sáng trong hoạt động ngoại giao thời đổi mới. Những kết quả đạt được trong mối quan hệ đan xen này đã củng cố và nâng cao vị thế quốc tế của đất nước, tạo ra thế cơ động linh hoạt trong quan hệ quốc tế, có lợi cho việc bảo vệ độc lập tự chủ và an ninh cũng như công cuộc xây dưng đất nước.
- Bốn là, chủ động tích cực góp phần vào cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Các hoạt động đối ngoại phong phú, đa dạng cả theo đường Đảng lẫn Nhà nước và các hoạt động quốc tế nhân dân đã góp phần duy trì và củng cố quan hệ đoàn kết hữu nghị với các đảng phái chính trị, trước hết là các Đảng cộng sản và công nhân, các tổ chức tiến bộ đấu tranh cho hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, từ đó tranh thủ sự hỗ trợ về chính trị có lợi cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng đã nêu: Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, hoà bình, hợp tác và phát triển; chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hoá, đa dạng hoá các quan hệ quốc tế. Chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời mở rộng hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực khác. Việt Nam là bạn, đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, tham gia tích cực vào tiến trình hợp tác quốc tế và khu vực. Nhiệm vụ của công tác đối ngoại là giữ vững môi trường hòa bình, tạo các điều kiện quốc tế thuận lợi cho công cuộc đổi mới, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đồng thời góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Đưa các quan hệ quốc tế đã được thiết lập vào chiều sâu, ổn định, bền vững. Phát triển quan hệ với tất cả các nước, các vùng lãnh thổ trên thế giới và các tổ chức quốc tế theo các nguyên tắc: tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau; không dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực; giải quyết các bất đồng và tranh chấp thông qua thương lượng hòa bình; tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng và cùng có lợi. Củng cố và tăng cường quan hệ với các đảng cộng sản, công nhân, đảng cánh tả, các phong trào độc lập dân tộc, cách mạng và tiến bộ trên thế giới. Tiếp tục mở rộng quan hệ với các đảng cầm quyền. Phát triển công tác đối ngoại nhân dân theo phương châm "chủ động, linh hoạt, sáng tạo và hiệu quả". Tích cực tham gia các diễn đàn và hoạt động của nhân dân thế giới. Tăng cường vận động viện trợ và nâng cao hiệu quả hợp tác với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài để phát triển kinh tế - xã hội. Chủ động tham gia cuộc đấu tranh chung vì quyền con người. Sẵn sàng đối thoại với các nước, các tổ chức quốc tế và khu vực có liên quan về vấn đề nhân quyền. Kiên quyết làm thất bại các âm mưu, hành động xuyên tạc và lợi dụng các vấn đề "dân chủ", "nhân quyền", "dân tộc", "tôn giáo" hòng can thiệp vào công việc nội bộ, xâm phạm độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh và ổn định chính trị của Việt Nam. Đẩy mạnh hoạt động kinh tế đối ngoại, hội nhập sâu hơn và đầy đủ hơn với các thể chế kinh tế toàn cầu, khu vực và song phương, lấy phục vụ lợi ích đất nước làm mục tiêu cao nhất. Chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế theo lộ trình, phù hợp với chiến lược phát triển đất nước từ nay đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020. Chuẩn bị tốt các điều kiện để ký kết các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương. Thúc đẩy quan hệ hợp tác toàn diện và có hiệu quả với các nước ASEAN, các nước châu Á - Thái Bình Dương... Củng cố và phát triển quan hệ hợp tác song phương tin cậy với các đối tác chiến lược; khai thác có hiệu quả các cơ hội và giảm tối đa những thách thức, rủi ro khi nước ta là thành viên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Tiếp tục đổi mới thể chế kinh tế, rà soát lại các văn bản pháp quy, sửa đổi, bổ sung, hoàn chỉnh hệ thống pháp luật bảo đảm tính đồng bộ, nhất quán, ổn định và minh bạch. Cải thiện môi trường đầu tư; thu hút các nguồn vốn FDI, ODA, đầu tư gián tiếp, tín dụng thương mại và các nguồn vốn khác. Xác định đúng mục tiêu sử dụng và đẩy nhanh việc giải ngân nguồn vốn ODA, cải tiến phương thức quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng và có kế hoạch trả nợ đúng hạn; duy trì tỉ lệ vay nợ nước ngoài hợp lý, an toàn. Phát huy vai trò chủ thể và tính năng động của doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế trong hội nhập kinh tế quốc tế. Xúc tiến mạnh thương mại và đầu tư, phát triển thị trường mới, sản phẩm mới và thương hiệu mới. Khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam hợp tác liên doanh với doanh nghiệp nước ngoài và mạnh dạn đầu tư ra nước ngoài. Đẩy mạnh công tác văn hoá - thông tin đối ngoại, góp phần tăng cường sự hợp tác, tình hữu nghị giữa nhân dân ta với nhân dân các nước. Chăm lo đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại vững vàng về chính trị, có trình độ ngoại ngữ và năng lực nghiệp vụ cao, có đạo đức và phẩm chất tốt. Tăng cường công tác nghiên cứu, dự báo, tham mưu về đối ngoại với sự tham gia và phát huy trí tuệ của các cơ quan nghiên cứu và các nhà khoa học. Bảo đảm sự lãnh đạo thống nhất của Đảng, sự quản lý tập trung của Nhà nước đối với các hoạt động đối ngoại. Phối hợp chặt chẽ hoạt động đối ngoại của Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân; chính trị đối ngoại và kinh tế đối ngoại; đối ngoại, quốc phòng và an ninh; thông tin đối ngoại và thông tin trong nước.
2.4. Kết quả
2.4.1 Kết quả và ý nghĩa
Các hoạt động đối ngoại đã góp phần giữ vững môi trường hòa bình, tạo các điều kiện quốc tế thuận lợi cho công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường ổn định chính trị - xã hội, củng cố an ninh, quốc phòng, đưa đất nước vượt qua những thách thức và đi vào giai đoạn phát triển mới; vị thế của nước ta trên trường quốc tế không ngừng nâng cao. Từ chỗ bị bao vây, cấm vận về kinh tế, cô lập về chính trị, đến nay nước ta đã phát triển quan hệ đa phương, đa dạng với các chủ thể quan hệ quốc tế. Việt Nam hiện có quan hệ ngoại giao với 169 nước, quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư với 165 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Đảng ta có quan hệ ở các mức độ khác nhau với trên 200 chính đảng ở các nước trên khắp các châu lục. Các đoàn thể và tổ chức nhân dân ta có quan hệ với hàng trăm tổ chức nhân dân, tổ chức phi chính phủ quốc gia và quốc tế. Trong hơn 20 năm qua, thông qua đàm phán hòa bình, ta đã giải quyết được một số vấn đề do lịch sử để lại về biên giới, lãnh thổ, vùng chồng lấn trên biển với các nước liên quan, phấn đấu xây dựng đường biên giới trên đất liền và trên biển thành đường biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác cùng phát triển. Nước ta đã ký kết Hiệp ước phân định biên giới trên đất liền, Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ và Hiệp định về hợp tác nghề cá ở Vịnh Bắc Bộ với Trung Quốc; đã ký Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới năm 1985 với Cam-pu-chia; đã ký kết các hiệp định về phân định thềm lục địa, phân định vùng chồng lấn trên biển với Ma-lai-xi-a, Thái Lan và In-đô-nê-xi-a. Việt Nam cùng các nước ASEAN và Trung Quốc đã ký kết Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC), thúc đẩy việc giải quyết hòa bình các tranh chấp chủ quyền biển đảo ở biển Đông. Việt Nam đã tăng cường quan hệ đoàn kết, hữu nghị và hợp tác với các đảng cộng sản và công nhân, các đảng cánh tả, các phong trào cách mạng và tiến bộ trên thế giới; góp phần tích cực vào sự hồi phục của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, vào việc củng cố phong trào Không liên kết, vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, phát triển bền vững, công bằng và tiến bộ xã hội. Đường lối chính trị của Đảng ta và những thành tựu đổi mới của Việt Nam được bạn bè quốc tế đánh giá cao. Nhiều đảng cộng sản và công nhân trên thế giới cho rằng, đổi mới của Việt Nam là sự phát triển sáng tạo và đóng góp về lý luận và thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đồng thời, các hoạt động đối ngoại của Đảng, của các đoàn thể và tổ chức nhân dân ta đã góp phần làm cho dư luận thế giới hiểu đúng về Việt Nam, đồng tình và ủng hộ công cuộc đổi mới, tăng cường hậu thuẫn chính trị quốc tế cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta. Nền kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới đang toàn cầu hóa. Chúng ta tích cực tham gia hình thành các khu vực mậu dịch tự do của ASEAN (AFTA), giữa ASEAN và Trung Quốc (CAFTA), xây dựng quan hệ đối tác kinh tế toàn diện ASEAN - Nhật Bản... Ta đã kết thúc đàm phán song phương với 28 nước và đã gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) trong năm 2006. Hàng hóa sản xuất tại Việt Nam đã có mặt trên 200 thị trường quốc gia, khu vực và quốc tế. Trong vòng hai thập kỷ qua, từ một nước nhập khẩu lương thực, Việt Nam đã trở thành một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Trong giai đoạn từ năm 1993 - 2004, Việt Nam đã nhận được cam kết tài trợ hơn 20 tỉ USD từ cộng đồng quốc tế, trong đó 85% là vốn vay ưu đãi, còn lại là viện trợ không hoàn lại. Riêng năm 2005, cam kết tài trợ vốn ODA cho Việt Nam là 3,4 tỉ USD. Với sự ổn định về chính trị - xã hội, truyền thống văn hóa, sự phát triển kinh tế năng động và chính sách đối ngoại rộng mở, môi trường đầu tư thông thoáng, Việt Nam ngày càng trở thành một điểm đến an toàn và hấp dẫn cho hợp tác và đầu tư quốc tế. Tính đến hết tháng 7-2005, đã có hơn 5.500 dự án đầu tư nước ngoài từ 64 nước và vùng lãnh thổ đang hoạt động tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 48,7 tỉ USD, trong đó số vốn thực hiện đạt gần 29 tỉ USD. Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã trở thành một bộ phận quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam, đóng góp gần 15% GDP và 4,9% tổng thu ngân sách nhà nước, chiếm trên 30% tổng kim ngạch xuất khẩu, tạo ra hàng vạn công ăn việc làm. Việt Nam đã được các nước ủng hộ đăng cai tổ chức và đã tổ chức thành công Hội nghị Thượng đỉnh Cộng đồng các nước có sử dụng tiếng Pháp năm 1997, Hội nghị cấp cao ASEAN năm 1998, Hội thảo quốc tế về hợp tác và phát triển Việt Nam và châu Phi năm 2003, Hội nghị cấp cao ASEM-5 năm 2004. Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 15 tại Thái Lan kết thúc ngày 25/10/2009 với việc công bố Việt Nam sẽ đảm nhiệm cương vị chủ tịch ASEAN trong năm 2010.Qua các hội nghị cấp cao này, Việt Nam đã để lại dấu ấn của mình trong đời sống chính trị quốc tế đương đại. Việt Nam phối hợp chặt chẽ với các nền kinh tế thành viên APEC và tích cực tổ chức thành công Hội nghị Thượng đỉnh APEC tại Hà Nội vào tháng 11-2006. Các mặt công tác thông tin đối ngoại, công tác đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài... cũng đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại đã có bước trưởng thành nhất định, triển khai thực hiện có kết quả đường lối và các chủ trương, chính sách đối ngoại của Đảng. - Thực tiễn hoạt động đối ngoại của ta trong hai mươi mấy năm đổi mới đã khẳng định đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển của Đảng ta là đúng đắn. Chúng ta kiên trì thực hiện nhất quán đường lối đó.Theo tinh thần của Nghị quyết Đại hội X của Đảng, công tác đối ngoại trong thời gian tới bám sát những định hướng lớn như sau:
- Tiếp tục mở rộng và phát triển các mối quan hệ đối ngoại của ta đi vào chiều sâu, ngày càng ổn định và bền vững. Đặc biệt coi trọng và phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác toàn diện với các nước láng giềng có chung biên giới, các nước Đông - Nam Á và Hiệp hội các quốc gia Đông - Nam Á (ASEAN). Thúc đẩy quan hệ hợp tác ổn định lâu dài với các nước lớn, các trung tâm kinh tế, chính trị của thế giới. Mở rộng và tăng cường quan hệ hợp tác hữu nghị với các nước bạn bè truyền thống, các nước độc lập dân tộc, các nước đang phát triển ở châu Á, châu Phi, Trung Đông và Mỹ La-tinh, các nước trong phong trào Không liên kết... Tích cực hoạt động tại các tổ chức quốc tế và khu vực. Không ngừng phát triển quan hệ với các đảng cộng sản và các đảng cầm quyền ở các nước xã hội chủ nghĩa và các nước láng giềng có chung biên giới. Mở rộng quan hệ với các đảng cầm quyền, đảng tham chính ở các nước trong khu vực và các nước có quan hệ đối tác quan trọng với nước ta. Tăng cường quan hệ với các chính đảng khác có quan hệ với Đảng ta và hữu nghị với Việt Nam. Phát triển quan hệ với các đoàn thể, các tổ chức nhân dân ở các nước láng giềng có chung biên giới, các nước xã hội chủ nghĩa, các nước trong khu vực và các nước lớn. Tích cực hoạt động tại các tổ chức quốc tế và khu vực quan trọng mà các đoàn thể và tổ chức nhân dân ta là thành viên. Chủ động tham gia tích cực các phong trào, diễn đàn quốc tế của nhân dân thế giới chống chiến tranh và chạy đua vũ trang... Mở rộng quan hệ với các tổ chức nhân dân các nước, các tổ chức phi chính phủ quốc gia và quốc tế...
- Tiếp tục thúc đẩy giải quyết bằng thương lượng hòa bình những vấn đề còn tồn tại về biên giới, lãnh thổ, biển đảo với các nước liên quan; phấn đấu xây dựng đường biên giới trên đất liền và trên biển với các nước láng giềng thành đường biên giới hòa bình, ổn định, hợp tác cùng phát triển.
2.4.2 Hạn chế và nguyên nhân:
Bên cạnh những thành công đã đạt được thì quá trình thực hiện đường lối mở rộng quan hệ đối ngoại, hội nhập kinh tế quốc tế cũng bộc lộ những hạn chế:
Trong quan hệ với các nước, nhất là các nước lớn, chúng ta còn lúng túng bị động. Chưa xây dựng quan hệ lợi ích đan xen, tùy thuộc lẫn nhau với các nước. Một số chủ trương, cơ chế, chính sách chậm được đổi mới so với yêu cầu mở rộng quan hệ đối ngoại, hội nhập kinh tế quốc tế; hệ thống luật pháp chưa hoàn chỉnh; không đồng bộ gây khó khăn cho việc thực hiện các cam kết của các tổ chức kinh tế quốc tế. Chưa hình thành được một kế hoạch tổng thể và dài hạn về hội nhập kinh tế quốc tế và một lộ trình hợp lý cho việc thực hiện các cam kết. Doanh nghiệp nước ta hầu hết quy mô nhỏ, yếu kém cả về quản lý và công nghệ; trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, trình độ trang thiết bị lạc hậu; kết cấu hạ tầng và các nghành dịch vụ cơ bản phục vụ sản xuất kinh doanh đều kém phát triển và có chi phí cao hơn các nước khác trong khu vực. Đội ngũ cán bộ lĩnh vực đối ngoại nhìn chung chưa đáp ứng được cả nhu cầu cả về số lượng; cán bộ doanh nghiệp ít hiểu biết về luật pháp quốc tế, về kỹ thật kinh doanh; công tác tổ chức chỉ đạo chưa sát và chưa kịp thời.

Bài tham khảo môn Quan hệ quốc tế

Nhận thức về thời đại ngày nay

Việc nhận thức rõ và xác định đúng thời đại có ý nghĩa cực kỳ quan trọng vì nó giúp ta biết được những nấc thang phát triển của xã hội, nắm được yếu tố có tính ổn định trong một thế giới đầy biến động
Lịch sử phát triển của xã hội loài người thường được đo bằng những thiên niên kỷ, thế kỷ, thập kỷ, năm tháng, ngày giờ. Nhưng còn một cách đo khác sâu sắc hơn và có ý nghĩa hơn nhiều là xác định sự phát triển xã hội bằng những chuyển biến, những thay đổi có tính bước ngoặt được bắt đầu từ những sự kiện đặc biệt báo hiệu sự chuyển hóa về chất của đời sống xã hội. Đó là cách phân định xã hội bằng thời đại, là việc dựa vào những tiêu chí nhất định để phân kỳ lịch sử và đặt tên cho nó.
Việc nhận thức rõ và xác định đúng thời đại có ý nghĩa cực kỳ quan trọng vì nó giúp ta biết được những nấc thang phát triển của xã hội, nắm được yếu tố có tính ổn định trong một thế giới đầy biến động, tìm thấy xu hướng tất yếu trong vô vàn những hiện tượng phức tạp mang tính ngẫu nhiên của đời sống xã hội.
Mỗi quốc gia, mỗi dân tộc, đặc biệt là mỗi Đảng Cộng sản Mác-xít Lê-nin-nít rất cần phải biết mình đang sống ở thời đại lịch sử nào với những đặc điểm, tính chất, nội dung, xu thế phát triển của nó ra sao. Biết được như vậy cũng là hiểu rõ ta đang sống ở đâu và sẽ đi tới đâu, giúp ta nhìn xa trông rộng, nắm bắt khuynh hướng phát triển và quy luật xoay vần của nhân loại để vừa có thể lựa chọn được hướng đi phù hợp với sự phát triển của lịch sử; vừa dự báo, và đoán định tới mức lường trước được những thách đố phức tạp, tránh được những vấp váp sai lệch trên đường đi, từ đó sẽ không bị chao đảo hoặc bị cuốn trôi trước phong ba bão táp của đời sống chính trị quốc tế. Có như vậy, đất nước sẽ phát triển mạnh mẽ, thoát được khó khăn nghèo đói; bình yên cho đất nước, hạnh phúc cho nhân dân.
1. Quan niệm về thời đại
Sự phân chia các thời đại trong lịch sử nhân loại là một công việc không đơn giản, xuất phát từ những cơ sở, tiêu chí khác nhau. Có nhiều cách phân chia và cách hiểu về thời đại.
· Cách phân chia thời đại dựa trên những tiêu chí kỹ thuật như thời đại đồ đá, thời đại đồ đồng, thời đại cối xay gió, thời đại máy móc hơi nước, thời đại tên lửa, vũ trụ và thời đại tin học…
· Phân chia dựa vào những yếu tố đặc thù của xã hội như thời kỳ (thời đại) mông muội, dã man, gia trưởng, văn minh.
· Phân chia thời đại theo nền văn minh. Như văn minh phương Tây, văn minh Khổng giáo (nho giáo), văn minh Nhật Bản, văn minh Mỹ la-tinh, văn minh Châu Phi. Cũng có quan điểm chia lịch sử loài người thành 3 nền văn minh kế tiếp nhau tương ứng cới các thời đại: Văn minh nông nghiệp, văn minh công nghiệp và văn minh hậu công nghiệp.
Nhìn chung, những cách phân chia nêu trên đều có sự khái quát cao, đều có những căn cứ và có những yếu tố hợp lý nhất định, nhưng tất cả đều là cách nhình phiến diện, mới chỉ nhấn mạnh được một vài khía cạnh của sức sản xuất, không chỉ ra được tính chất tổng hòa của đời sống xã hội và đặc biệt là không nêu được động lực chính của sự phát triển lịch sử xã hội.
· Dựa trên cơ sở phương pháp luận biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử để phân tích xã hội, các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác- Lê-nin đã xem xét vấn đề thời đại một cách khoa học, phù hợp với sự vận động phát triển của lịch sử loài người. Các ông đã coi hình thái tồn tại của thực tế xã hội là hình thái kinh tế - xã hội và quá trình phát triển của xã hội là sự thay thế hình thái kinh tế - xã hội từ thấp đến cao. Theo Mác và Ăng-ghen, lịch sử phát triển xã hội loài người cho đến thế kỷ XIX là các hình thái: cộng sản nguyên thủy, chiếm hữu nô lệ, phong kiến và tư bản chủ nghĩa. Từ đó, các ông đã rút ra kết luận là hình thái kinh tế -xã hội cộng sản chủ nghĩa tất yếu sẽ thay thế hình thái kinh tế - xã hội tư bản chủ nghĩa.
Như vậy, có thể hiểu thời đại theo nghĩa rộng và nghĩa hẹp. Theo nghĩa rộng, thời đại là một khái niệm chính trị - kinh tế  - xã hội khái quát tiến trình phát triển của lịch sử loài người, là thời gian rất dài để chỉ sự phân kỳ lịch sử xã hội và để phân biệt những nấc thang phát triển của hình thái kinh tế xã hội mà theo đó nấc thang cao hơn, tiến bộ hơn sẽ phủ định nấc thang cũ, lạc hậu để mở đường cho sự phát triển một thời đại mới. Sau Cách mạng Tháng Mười Nga, nhân loại bắt đầu một thời đại mới, thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới.
Thời đại theo nghĩa hẹp là khái niệm về thời gian để chỉ xu thế và nội dung phát triển trên các phương diện kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật, công nghệ…
2. Nội dung thời đại ngày nay
Theo quan điểm của Lê-nin, nội dung thời đại mới - thời đại ngày nay, là xóa bỏ chủ nghĩa tư bản đồng thời thiết lập những cơ sở của xã hội là hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa. Đây là một quá trình lịch sử lâu dài, được bắt đầu từ nước Nga sau Cách mạng Tháng Mười năm 1917, và sau đó là nhiều nước khác trên thế giới.
Vào những năm 1957 và 1960, Hội nghị đại biểu các Đảng cộng sản và công nhân họp ở Mátxcơva, trên cơ sở tiếp thu ánh sáng tại di huấn của Lê-nin, đúc rút kinh nghiệm từ thực tiễn sinh động của cách mạng thế giới, đã xác định: Nội dung căn bản của thời đại chúng ta là sự quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội, mở đầu bằng cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười vĩ đại ở nước Nga.
Nội dung thời đại có hai vấn đề mấu chốt. Một là, thời đại hiện nay là thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới. Hai là, thời đại được mở ra từ Cách mạng Tháng Mười Nga. Nhận định về nội dung thời đại như vậy là sự khái quát mang tính lý luận và thực tiễn sâu sắc, đầy tính thuyết phục, đã được sự nhất trí cao trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.
Tuy nhiên, sau khi thể chế xã hội chủ nghĩa ở các nước Đông Âu và Liên Xô sụp đổ, các thế lực thù địch lợi dụng sự kiện này để dấy lên một chiến dịch công kích, xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lênin, bài bác những luận điểm cơ bản nhất về thời đại hòng làm tiêu tan lý tưởng cộng sản trong tâm trí nhân loại.
Luận điểm của họ về nội dung không có gì mới mẻ, nhưng cách diễn đạt có khác đi.
*Về vấn đề thứ nhất của nội dung thời đại. họ lập luận rằng, nếu nói thời đại hiện nay là thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội, thì nay chủ nghĩa xã hội sụp đổ rồi, thời đại này đương nhiên là của chủ nghĩ tư bản; rằng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa công sản đã tàn lụi thì dù có trăm năm sau cũng không thể gượng dậy được nữa.
Cách nhìn nhận của họ rõ ràng là thiếu kiến thức lịch sử và là cách nhìn thiển cận. Quá trình chuyển biến và thay thế một thời đại này bằng thời đại khác không thể diễn ra nhanh chóng được, mà phải qua một chặng đường dài. Quá trình đó là một xu thế tất yếu của xã hội loài người, nhưng diễn ra quanh co, phức tạp chứa đựng nhiều biến cố, có cả bước tiến mạnh mẽ và cũng có cả những bước tụt lùi. Sự đổ vỡ của xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và Liên Xô đương nhiên là tổn thất nặng nề đối với phong trào cộng sản. Đồng thời ai cũng biết rằng, sự sụp đổ ấy có nhiều nguyên nhân, nhưng nó không thuộc về bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa, càng không phải vì thế mà làm mất đi nội dung thời đại. Lịch sử đã cho thấy thời đại tư bản chủ nghĩa thay thế thời đại phong kiến đâu phải dễ dàng. Quá trình chuyển biến đó diễn ra hàng mấy trăm năm, trải qua biết bao phức tạp bởi sự chống trả quyết liệt của các thế lực phong kiến. Tình hình hiện nay cũng tương tự như vậy. Thế lực đế quốc không từ một thủ đoạn nào để mưu toan chặn đứng phong trào cộng sản. Điều đó càng thể hiện tính chất phức tạp của thời đại ngày nay.
* Về vấn đề thứ hai của nội dung thời đại. Kẻ thù tư tưởng của chúng ta công khai tuyên bố rằng, chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô đã sụp đổ thì giá trị của Cách mạng Tháng Mười cũng chấm hết.
Đây đúng là kết luận vội vã và hồ đồ. Đành rằng thành quả mà Cách mạng Tháng Mười đem lại đã bị đổ vỡ tại ngay quê hương của nó, nhưng đó quyết không phải là sự chấm dứt lý tưởng cao đẹp của Cách mạng Tháng Mười. Vả chăng, lịch sử đã tỏ rõ, không có một cuộc cách mạng nào, kể cả các cuộc cách mạng vĩ đại nhất, lại đủ khả năng kết thúc ngay công việc xóa bỏ xã hội cũ và xây dựng xong ngay xã hội mới. Quá trình chuyển từ xã hội phong kiến lên xã hội tư bản chủ nghĩa đã phải trải qua hàng trăm năm với nhiều cuộc cách mạng tư sản: Cách mạng Anh (1640-1688), các cuộc cách mạng tư sản Pháp vào các năm 1830, 1848, 1871…
Sự phát triển của xã hội loài người từ sau Cách mạng Tháng Mười đã chứng tỏ rằng, lý tưởng Tháng Mười đã không chỉ là ngọn đèn pha dẫn đường tỏa sáng, mà còn có những đóng góp thực tế to lớn. Cách mạng Tháng Mười là tiếng chuông đánh thức lịch sử, báo hiệu một trang sử mới của thế giới. Thế giới trước Cách mạng Tháng Mười là một thời kỳ u mê, an phận, là thời đại của chủ nghĩa tư bản. Sự đột phá Tháng Mười làm cho chủ nghĩa tư bản bị đổ vỡ một mảnh lớn. Thế giới bừng tỉnh, bung ra với sức mạnh mới của sự hình thành và phát triển của chủ nghĩa xã hội làm sụp đổ hoàn toàn hệ thống thuộc địa, giải phóng xã hội , giải phóng con người. Thành quả của cách mạng Tháng Mười đã tạo cho loài người có khả năng kìm giữ sự lộng hành của chủ nghĩa tư bản, làm thay đổi cả những yếu tố bên trong của chủ nghĩa tư bản. Chủ nghĩa tư bản đã không thể sống tự nó nữa mà đã phải cố gắng vì sự tồn tại của nó. Những thay đổi trong chiến lược kinh tế, chính trị để thích nghi, những thay đổi trong các chính sách phúc lợi xã hội, đảm bảo xã hội… ở các nước tư bản phát triển hiện nay đều do kết quả của xã hội đấu tranh của những người lao động và sâu xa hơn là được ảnh hưởng của Cách mạng Tháng Mười..
Từ những phân tích trên đây, chúng ta càng thống nhất với nhận định rằng, mặc dù tình hình thế giới trong giai đoạn hiện nay và thời gian tới có nhiều thay đổi, có khi là thay đổi khôn lường nhưng bản chất của thời đại không thay đổi. Tình hình cụ thể trong từng thời kỳ của thế giới có những biến động nhưng điều đó không làm thay đổi nội dung của thời đại; loài người vẫn đang trong thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội. Các mâu thuẫn cơ bản trên thế giới vẫn tồn tại và phát triển, có mặt sâu sắc hơn, nội dung và hình thức biểu hiện có nhiều nét mới. Đấu tranh dân tộc và đấu tranh giai cấp vẫn diễn ra dưới nhiều hình thức.
3. Những vấn đề hiện nay
Nhịp độ chuyển biến của thế giới nhanh chóng đến mức khó hình dung. Quá trình đó làm cho tính chất của thời đại càng phức tạp thêm bởi những biểu hiện mới của nó.
Sau khi Liên Xô tan rã, chủ nghĩa tư bản thay đổi chiến lược ra sức lợi dụng quá trình quốc tế hóa và toàn cầu hóa để tư bản hóa toàn thế giới. Đó là sự áp đặt giá trị, đồng hóa thế giới theo màu sắc tư bản chủ nghĩa; là sự đe dọa, chà đạp, phá vỡ các giá trị truyền thống của các dân tộc và các quốc gia có chủ quyền. Vì thế, vấn đề nổi bật trên đời sống chính trị quốc tế hiện nay là các tầng lớp, giai cấp bị áp bức, bóc lột và các dân tộc, các quốc gia độc lập quyết tâm chống lại sự áp đặt và can thiệp, bảo vệ chủ quyền, bảo vệ giá trị truyền thống và định hướng phát triển xã hội của mình. Trong bối cảnh ấy, định hướng xã hội chủ nghĩa là xu hướng phát triển tất yếu của xã hội loài người.
Quá trình toàn cầu hóa, một mặt, tạo điều kiện cho sự hội nhập và vươn lên của tất cả các nước, nhưng mặt khác, nó cũng là sự phân chia thành hai thái cực giàu ngèo, tạo thế độc quyền chưa từng thấy của các trung tâm công nghiệp phát triển trong các lĩnh vực tài chính, kỹ thuật công nghệ. Do đó, một số nước "sinh sau đẻ muộn" khi bước vào quá trình công nghiệp hóa gặp rất nhiều khó khăn.
Bản thân các nước tư bản phát triển cũng gặp nhiều thách thức lớn. Do tư bản tập trung cao độ, do sự phụ thuộc lẫn nhau trong quá trình "toàn cầu hóa" ngày càng đi vào chiều sâu, trong khi đó các thể chế thuộc kiến trúc thượng tầng vẫn chưa vượt khỏi phạm vi các quốc gia, dân tộc tư sản, nên mâu thuẫn vốn có giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất trong xã hội tư bản không hề giảm, mà ngày càng tăng. Các công ty xuyên quốc gia sáp nhập, liên kết chặt chẽ với nhau về tổ chức, vốn đầu tư, kỹ thuật, quản lý để chi phối thị trường quốc tế, làm cho các đạo luật, quy tắc, trật tự của các quốc gia tư bản chủ nghĩa bị phá vỡ, không kiểm soát được. Trong khi đó, ngay trong lòng các nước tư bản giàu có nhất vẫn chứa đựng sự nghèo đói và đặc biệt là sự bất công. Tất cả những điều đó thực sự là những quả bom nổ chậm, đe dọa xã hội của các nước tư bản phát triển. Cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu diễn ra từ 2008 đến nay bắt đầu từ Mỹ và lan ra toàn thế giới đã chứng tỏ những mâu thuẫn nội tại của nền kinh tế các nước tư bản chủ nghĩa không hề dịu đi mà có phần sâu sắc hơn, khủng hoảng kinh tế là căn bệnh trầm kha không thể thoát được của các thể chế kinh tế tư bản chủ nghĩa.
Quá trình toàn cầu hóa khi được gắn với việc tập trung tư bản thì đồng thời cũng làm cho quy mô bóc lột của chủ nghĩa tư bản mở rộng, làm cho mâu thuẫn thời đại thêm sâu sắc. Vì thế việc giải quyết những mâu thuẫn thời đại đòi hỏi phải có sự tự giác cao, đồng thời cần có sự phối hợp khu vực và quốc tế, cần có nội dung, phương pháp thích hợp.
Chính trong bối cảnh thế giới phức tạp như vậy, các dân tộc càng phải độc lập, tự chủ và không ngừng sáng tạo, càng hội nhập thì càng cần phải phát huy bản sắc dân tộc, giá trị chuẩn mực của dân tộc "hội nhập mà không hoà tan". Đúng là thế giới phát triển theo quy luật của nó, nhưng cách thức phát triển và bước đi là vô cùng phong phú, đa dạng. Mỗi nước phải tìm ra định hướng phát triển cho mình trên cơ sở những xu hướng vận động của thời đại.
Đảng Cộng sản Việt Nam và nhân dân Việt Nam đang ra sức phát huy những thành tựu đã đạt được, tiếp tục đưa sự nghiệp đổi mới có bước phát triển mới, sáng tạo mô hình phát triển kinh tế- xã hội đậm nét Việt Nam, đưa nước ta tiến bước vững chắc trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội, phù hợp với xu thế thời đại./.
GS-TS. Vũ Văn Hiền (Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài TNVN)
http://vov.vn/Home/Nhan-thuc-ve-thoi-dai-ngay-nay/20111/127677.vov

BỊ BỆNH...

Anh Lê Hoàng Hải bị bệnh. Tuần trước, anh phải nghỉ thi môn XHH. Hôm nay (26-12), anh dò dè gửi đơn ở Ban Quản lý đào tạo định nghỉ một tuần để chữa bệnh. Sau khi nghe Trưởng ban phân tích, anh đã rút lại đơn xin nghỉ, bảo rằng sẽ uống thuốc...
Lớp vừa qua có một số trường hợp bị bệnh hay tai nạn. Anh Đào Xuân Kỳ khi về Ninh Thuận bị té xe, phải băng hai vai nên hai tay anh cứ khuỳnh khuỳnh. Anh em hay chọc: Anh Kỳ có khỏe không, rồi làm động tác vỗ vai anh! Anh Nguyễn Viết Sử cũng bị té xe, gãy xương đòn, phải nẹp ốc vít. Mấy tuần nay, anh Ngô Văn Vinh trở thành tài xế bất đắc dĩ cho anh Sử. Rồi anh Võ Văn Cường bị té, hôm nay đi cà nhắc. Anh em chọc ảnh: anh bị đau chân nào vậy? Có người vọt miệng: chân nào cũng đau hết! Bữa nay trời lạnh, anh Hùng, anh Tiếng, anh Nam (Tống)... cứ sụt sịt riết...
Lớp có nhiều người bệnh. Anh Tuấn nói vui: Kêu anh Nam lớp trưởng... cúng đi, để giải hạn! Ông bà nói chẳng sai: Có bệnh thì vái tứ phương...
Sắp hết năm rồi. Hy vọng qua năm mới C2 sẽ khỏe khoắn hơn!

Thứ Hai, 19 tháng 12, 2011

Bài thơ

VỀ QUÊ
(Nhớ bữa Thảo Nguyên hỏi, từ hồi ra trường tới giờ có về quê công tác lúc nào chưa...)

Về quê
Mặc áo rách, đi dép đứt
Làm nông dân mẫu mực
Mồ hôi in dấu cần lao.

Về quê
Nghe gió lao xao
Những cuộc đời gian khó
Đời nông dân thật khổ
Được mùa mất giá” – điệp khúc triền miên
Hết chặt lại trồng cũng lắm ưu phiền.

Về quê
Đêm ngủ nghe tiếng chó sủa ma
Nhớ kỷ niệm một thời ấu thơ
Đời bình dị
Hoa bưởi nồng nàn đong đầy ý nghĩ
Một tiếng gà cũng quá đỗi thân thương.

Về quê
Người quê hiền hòa sao bao đời vất vả
Đất quê mỡ màu sao chưa trù phú
Đâu thiếu những bàn tay
Đâu thiếu những ý tưởng hay
Hay thiếu những tấm lòng?

Về quê
Ta làm nông dân vài bữa
Bao trăn trở, nhiều nghĩ suy chất chứa
Tay cũng kịp chai
Da vừa kịp nám nổi đồi mồi
Nhưng ta vẫn chưa biết làm một nông dân thực thụ.

Về quê
Ta vẫn đứng bên lề nhòm ngó
Vài bữa nắng mưa chỉ như cơn gió
Biết nhưng chưa hiểu sâu
Chưa bắc được nhịp cầu
Để giúp nông dân vơi khó.


Về quê
Ta thêm yêu quê
Thêm yêu những đời cần lao
Gửi lại một tấm lòng sâu sắc
Và tình yêu bền chặt
Với quê hương.

Về quê
Ta sẽ còn về quê…

ĐIỂM THI

Ngày 19-12, lớp biết thêm điểm môn KTCT phần TKQĐ. Điểm khá cao: 1 người điểm 9 (bạn Thanh Thảo) và không có ai dưới điểm 7. Coi như là một kết quả tốt. Vì phần thì này thường được cho là "không thể xem thường"!
Qua điểm số 5 môn, đã nổi lên một số gương mặt sáng giá: anh Hoàng Nam, anh Huy Toàn, anh Minh Đạo, chị Tuyết Sương, chị Tuyết Hồng, chị Đông Quỳnh... với điểm số các môn đều từ 8 trở lên. Ngoài ra, hầu như môn nào lớp cũng có người đạt điểm 9.
Đến giờ, cũng chưa trường hợp nào thực sự khó khăn. Như vậy đó là tín hiệu tốt. Trong các giờ lên lớp, lớp cũng được các thầy cô đánh giá cao tinh thần học tập: vắng ít, chú ý nghe giảng, thường phát biểu, thảo luận sôi nổi...
Tinh thần C2 như vậy thật đáng hoan nghênh!
Cứ tiếp tục duy trì nhé!

Chủ Nhật, 18 tháng 12, 2011

Bài tham khảo môn Xã hội học

Xã hội học

Xã hội học là khoa học về các quy luật và tính quy luật xã hội chung, và đặc thù của sự phát triển và vận hành của hệ thống xã hội xác định về mặt lịch sử; là khoa học về các cơ chế tác động và các hình thức biểu hiện của các quy luật đó trong các hoạt động của cá nhân, các nhóm xã hội, các giai cấp và các dân tộc.
Xã hội học là môn khoa học xã hội còn rất non trẻ, mặc dù vậy nó cũng có một lịch sử phát triển riêng biệt. Trước thế kỷ 19, xã hội học chưa tồn tại như một môn khoa học độc lập mà bị hòa tan vào trong các khoa học khác như nhân chủng học, dân tộc học, nhân học, tâm lý học, tâm lý học xã hội và đặc biệt là triết học - môn khoa học của mọi khoa học.
Xã hội học là khoa học nghiên cứu các sự kiện, hiện tượng, quá trình, thiết chế xã hội nhờ sự vận động phát triển xã hội. Mang tính chất quan hệ: những sự kiện, hiện tượng, quá trình, thiết chế xã hội mang tính chất quan hệ đó được đặt trong một tổng thể thống nhất.

Bối cảnh hình thành

Xã hội học xuất hiện ở châu Âu thế kỷ XIX với tư cách là một tất yếu lịch sử xã hội. Tính tất yếu đó thể hiện ở nhu cầu và sự phát triển chín muồi các điều kiện và tiền đề biến đổi và nhận thức đời sống xã hội. Các biến động to lớn trong đời sống kinh tế, chính trị và xã hội châu Âu vào thế kỷ XVIII và nhất là thế kỷ XIX đã đặt ra những nhu cầu thực tiễn mới đối với nhận thức xã hội.
Bắt đầu từ thế kỷ 18, đời sống xã hội ở các nước Châu Âu trở nên hết sức phức tạp. Cuộc cách mạng công nghiệp 1750 đã đưa đến những đảo lộn ghê gớm. Chủ nghĩa tư bản đã tạo ra những đô thị công nghiệp khổng lồ gây nên những làn sóng chuyển dịch dân cư lớn, kèm theo đó là những mâu thuẫn giai cấp, mâu thuẫn dân tộc, mâu thuẫn tôn giáo căng thẳng, các quan hệ xã hội ngày càng thêm đa dạng và phức tạp. Xã hội rơi vào trạng thái biến động không ngừng: chiến tranh, khủng hoảng kinh tế, xung đột chính trị, suy thoái đạo đức, phân hoá giàu nghèo, bùng nổ dân số, tan rã hàng loạt các thiết chế cổ truyền,... Trước tình hình như thế, xã hội nảy sinh một yêu cầu cấp thiết là cần phải có một ngành khoa học nào đó đóng vai trò tương tự như một bác sĩ luôn luôn theo dõi cơ thể sống - xã hội tiến tới giải phẫu các mặt, các lĩnh vực khác nhau trên bề mặt cắt của nó từ tầm vĩ mô đến vi mô, kể cả khi xã hội đó thăng bằng cũng như khi mất thăng bằng để chỉ ra trạng thái thật của xã hội đó, phát hiện ra những vấn đề xã hội (social problems), dự báo khuynh hướng phát triển của xã hội, và chỉ ra những giải pháp có tính khả thi.
Emile Durkheim - một trong các bậc tiền bối của khoa học xã hội học đã phát biểu rằng: cuối cùng thì nhà xã hội học phải chẩn đoán xem xã hội ở trong tình trạng "khỏe mạnh" hay "bệnh tật" và sau đó nhà xã hội học phải kê đơn những loại thuốc cần cho sức khỏe của xã hội. Và mãi cho đến nửa sau của thế kỷ XIX, xã hội học mới xuất hiện với tư cách là một môn khoa học độc lập có đối tượng, chức năngphương pháp riêng biệt.

Bối cảnh Kinh tế xã hội và nhu cầu thực tiễn

Các cuộc cách mạng thương mại và công nghệ cuối thế kỷ XVIII đã làm lay chuyển tận gốc trật tự kinh tế cũ tồn tại và phát triển hàng trăm năm trước đó. Hình thái kinh tế xã hội kiểu phong kiến bị sụp đổ từng mảng lớn trước sự bành trướng của thương mại và công nghiệp. Sự tác động của tự do hóa thương mại, tự do hóa sản xuất và đặc biệt là tự do hóa lao động; hệ thống tổ chức quản lý kinh tế theo kiểu truyền thống đã bị thay thế bằng cách tổ chức xã hội hiện đại. Do vậy, thị trường đã được mở rộng, hàng loạt nhà máy, xưởng và tập đoàn kinh tế đã ra đời thu hút nhiều lao động từ nông thôn ra thành thị làm thuê. Của cải, đất đai, tư bản không còn tập trung trong tay tầng lớp phong kiến mà rơi vào tay giai cấp tư sản.
Sự xuất hiện và phát triển hệ thống kinh tế tư bản chủ nghĩa đã phá vỡ trật tự xã hội phong kiến gây những xáo trộn và biến đổi trong đời sống kinh tế xã hội của các tầng lớp, giai cấp và các nhóm xã hội. Từ đó nảy sinh nhu cầu thực tiễn phải lập lại trật tự, ổn định xã hội và nhu cầu nhận thức để giải quyết những vấn đề mới mẻ nảy sinh từ cuộc sống đang biến động đó. Trong bối cảnh đó, Xã hội học đã ra đời để đáp ứng nhu cầu nhận thức các biến đổi xã hội và lập lại trật tự xã hội.

Bối cảnh Chính trị xã hội và tư tưởng

Cuộc đại cách mạng Pháp năm 1789, làm biến đổi chính trị, xã hội quan trọng góp phần làm thay đổi căn bản thể chế chính trị, trật tự xã hội và các thiết chế xã hội châu Âu thế kỷ XVIII. Cuộc cách mạng này đã không chỉ mở đầu cho thời kỳ tan rã chế độ phong kiến, nhà nước quân chủ mà còn thay thế trật tự cũ đó bằng một trật tự chính trị xã hội mới là nhà nước tư sản.
Công xã Paris năm 1871 - Mâu thuẫn sâu sắc về lợi ích giữa các tầng lớp xã hội và nhất là giữa giai cấp công nhân và giai cấp tư sản đã lên đến đỉnh điểm làm bùng nổ cuộc cách mạng vô sản đầu tiên trên thế giới vào cuối thế kỷ XIX; và sau này là cuộc cách mạng tháng Mười Nga năm 1917.
Những biến đổi chính trị, xã hội ở châu Âu đã đặt ra câu hỏi lý luận cơ bản của xã hội học. Đó là vấn đề làm thế nào phát hiện và sử dụng các quy luật tổ chức xã hội để góp phần tạo ra trật tự và tiến bộ xã hội.

Bối cảnh về Lý luận và nghiên cứu

Tiền đề lý luận và phương pháp luận làm nảy sinh xã hội học bắt nguồn từ những tư tưởng khoa học và văn hóa thời đại Phục Hưng thế kỷ XVIII (thời kỳ Khai sáng).
Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và đặc biệt là phương pháp luận nghiên cứu khoa học cũng là nhân tố quan trọng cho sự ra đời xã hội học. Các cuộc cách mạng khoa học diễn ra ở thế kỷ XVI, XVII và đặc biệt là thế kỷ XVIII đã làm thay đổi căn bản thế giới quan và phương pháp luận khoa học.
Các nhà triết học, các nhà khoa học xã hội thế kỷ XVIII và thế kỷ XIX khát khao nghiên cứu các hiện tượng, quá trình xã hội để phát hiện ra các quy luật tự nhiên của tổ chức xã hội, đặc biệt là "các quy luật của sự phát triển, tiến bộ xã hội".

Các bậc tiền bối sáng lập ra ngành xã hội học

Auguste Comte (1798-1857)

Xã hội học là khoa học về các quy luật của tổ chức xã hội.

Thuật ngữ "Xã hội học" (sociology) bắt nguồn từ gốc chữ latin: Societas (xã hội) và chữ Hy lạp: Lógos (ngôn từ, học thuyết). Khái niệm này được chính A. Comte xây dựng và đưa vào hệ thống tri thức khoa học lần đầu tiên vào năm 1838. Ông là nhà vật lý học, toán học, thiên văn học và triết học người Pháp. Ông nổi tiếng về "qui luật ba trạng thái" nhằm giải thích sự vận động và phát triển của xã hội. Ông chia xã hội ra thành hai phần "tĩnh học xã hội" (statical society) và "động học xã hội" (dynamic society). Ông cũng đúc kết ra lý thuyết "nhận thức thực chứng" khởi đầu cho xã hội học thực nghiệm. Ông được coi không chỉ là người đặt tên mà còn thực sự đặt những viên gạch lý thuyết đầu tiên cho ngành khoa học này.
Các tác phẩm chính của ông là: Giáo khoa về triết học thực chứng (1830-1842), Hệ thống xã hội thực chứng (1851-1858)

Karl Marx (1818-1883)

Các nhà triết học cho tới nay mới chỉ giải thích thế giới. Vấn đề là biến đổi thế giới.

Nhà triết học, kinh tế học người Đức. Lúc sinh thời Karl Marx không coi mình là nhà xã hội học, nhưng những tư tưởng trong di sản đồ sộ của ông đã ảnh hưởng rất lớn đến sự hình thành và phát triển của xã hội học, đến nỗi ngày nay ai cũng coi ông mặc nhiên là một trong những người sáng lập ra xã hội học. Dường như tất cả các nhà xã hội học hiện đại khi giải thích xã hội đều tiếp cận bằng lý thuyết mâu thuẫn và xung đột của K. Marx. Các nhà xã hội học "đều vay mượn của Marx các lý giải về giai cấp, ngay cho dù nhà xã hội học đó kết thúc bằng cách bài bác Marx như là sai lầm và bị lịch sử vượt qua". K.Marx chủ yếu sử dụng lý thuyết mâu thuẫn để làm sáng tỏ biến chuyển xã hội. Đó là mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuấtquan hệ sản xuất, giữa hai giai cấp cơ bản kiến tạo nên xã hội. Các vấn đề như: phân tầng xã hội, tội phạm, biến chuyển xã hội,... đều được các nhà xã hội học đương đại xem xét dưới ánh sáng lý thuyết mâu thuẫn của Marx.
Các tác phẩm chính: Gia đình thần thánh (1845), Hệ tư tưỏng Đức (1846), Sự khốn cùng của triết học (1847), Tư bản (1875).

Herbert Spencer (1820-1903)

Xã hội như là cơ thể sống.

Nhà triết học và xã hội học người Anh. Ông được coi là cha đẻ của triết học tiến hóa. Herbert Spencer đã dùng lý thuyết này để giải thích sự biến đổi xã hội. Mặc dù một vài quan điểm của ông bị phê phán nhưng vai trò của ông vẫn có những ảnh hưởng lớn tới các nhà xã hội học hậu thế.

Ferdinand Tönnies (1855-1936)

Emile Durkheim (1858-1917)

Khi giải thích hiện tượng xã hội ta cần phân biệt nguyên nhân gây ra hiện tượng đó và chức năng mà hiện tượng đó thực hiện.

Nhà xã hội học nổi tiếng được coi là cha đẻ của xã hội học Pháp. Ông là người lập ra chuyên ngành xã hội học ở trường Đại học Bordeaux và ở Đại học Sorbonne của Paris. Các nhà xã hội học trên thế giới ngày nay đều ảnh hưởng rất nhiều lối tiếp cận cấu trúc-chức năng của ông. E. Durkheim đã cố gắng tách các sự kiện, hiện tượng xã hội ra khỏi sự chi phối của con người và yêu cầu xem xét chúng như các "vật thể" để không áp đặt vào chúng những định kiến đã có sẵn. Ông cũng là người sáng lập ra "Niên giám xã hội học" nhằm tập hợp các công trình khoa học của các nhà xã hội học đương thời. Ông là người có công lao rất lớn trong việc hình thành và phát triển ngành xã hội học hiện đại.
Các tác phẩm chính: Phân công lao động xã hội (1893), Các qui tắc của phương pháp xã hội học (1897), Tự tử (1897), Các hình thức cơ bản của đời sống tôn giáo (1912).
Sau khi ra đời, xã hội học đã phát triển rực rỡ và có được những bước tiến dài trong việc xây dựng nền tảng cũng như các phân nghành xã hội học ở các nước công nghiệp phát triển. Có thể nói những thành tựu to lớn mà các nước công nghiệp phát triển đạt được là có sự đóng góp đáng kể của ngành khoa học xã hội học. Ngày nay, xã hội học đã có mặt ở hầu khắp các nước trên thế giới và chiếm một vị trí xứng đáng trong hệ thống lý thuyết cũng như ứng dụng. Nó được coi là môn khoa học phát triển. Rất nhiều trường phái xã hội học hiện đai nổi tiếng có ảnh hưởng lớn trên thế giới. Chẳng hạn như trường phái lý thuyết hệ thống của Talcott Parsons (Đại học Harvard), trường phái xã hội học đô thị (Đại học Chicago), trường phái xã hội học tội phạm (Đại học Michigan), trường phái lý thuyết tương tác Marx (Bulgaria), ...

[sửa] Max Weber (1864-1920)

Xã hội học... là khoa học cố gắng giải nghĩa hành động xã hội và... tiến tới cách giải thích nhân quả về đường lối và hệ quả của hành động xã hội.

Nhà xã hội học Đức, được coi là một trong những nhà xã hội học lớn nhất đầu thế kỷ 20. Lĩnh vực được ông chú ý nhiều là hành động xã hội. Ngoài ra, Max Weber còn dành khá nhiều thì giờ nghiên cứu về đạo Tin lành, về tổ chức quan liêu, về sự phát triển của chủ nghĩa tư bản, ... Những tư tưởng của ông đã để lại khá đậm nét cho các thế hệ xã hội học sau này không chỉ về lý thuyết mà còn các phương pháp tiếp cận xã hội.
Các tác phẩm chính: Những tiểu luận phương pháp luận (1902), Đạo đức Tin lành và tinh thần của CNTB (1904), Kinh tế và xã hội (1910-1914), Xã hội học tôn giáo (1916).

Đối tượng và chức năng của xã hội học

Đối tượng nghiên cứu của xã hội học

Xã hội học là gì? Một câu hỏi không dễ trả lời trong một định nghĩa ngắn gọn. Các cuộc tranh luận dữ dội về vấn đề này đã tạm lắng dịu. Các nhà xã hội hội học đều cảm thấy có lý rằng "đơn giản là không có một xã hội học được duy nhất thừa nhận và cung cấp được tất cả các câu trả lời" vì "do không có kiểu phát triển duy nhất của xã hội cho nên không thể có quan điểm xã hội học duy nhất". Các nhà xã hội học đương đại đi tìm câu trả lời cho các câu hỏi như: xã hội học nghiên cứu cái gì?, nghiên cứu những lĩnh vực nào của đời sống xã hội?, và nghiên cứu nó như thế nào?
Trưóc hết xã hội học nghiên cứu mặt xã hội của xã hội. Nhưng mặt xã hội đó lại là đối tượng nghiên cứu chung của nhiều ngành khoa học khác nhau. Chẳng hạn nó là đối tượng của khoa học kinh tế khi nghiên cứu về sản xuất, phân phối, trao đổi, tiêu dùng vật chất, hoặc nó trở thành đối tượng của khoa học chính trị khi nghiên cứu về quyền lực, nó là đối tượng của khảo cổ học khi nghiên cứu những gì còn lại của những nền văn minh đã mất,... Còn "xã hội học là khoa học nghiên cứu chủ yếu về các khuôn mẫu của các tương tác con người trong xã hội (social interactions)". Các tương tác đó diễn ra trong trường quan hệ xã hội giữa các chủ thể xã hội (cá nhân, nhóm, cộng đồng, xã hội tổng thể) diễn ra trong các hoạt động xã hội (sản xuất, văn hóa, tái sản sinh xã hội, quản lý, giao tiếp). Để nghiên cứu được những điều đó, xã hội học phải bắt đầu từ các sự kiện, hiện tượng và quá trình xã hội. Trên cơ sở đó nhằm nắm bắt cho được trạng thái chất lượng của xã hội ở tầm vĩ mô hay vi mô, ở bề mặt cắt hay tầng sâu tiềm ẩn, ở một thời gian cụ thể và trong một không gian xác định với mục đích là thay đổi trạng thái đó theo chiều hướng có lợi hơn và tiến bộ hơn. Như thế nếu xã hội học sử dụng kết quả của khảo cổ học hay dân tộc học khi nghiên cứu quá khứ, thì cũng là để phục vụ cho việc nắm bắt trạng thái xã hội đương đại. Tương tự như thế, xã hội học có thể liên kết chặt chẽ với tâm lý xã hội, nhân chủng học, kinh tế học hay luật học thì mục tiêu cuối cùng hướng đến cũng là đi tìm về một trang thái xã hội hiện thực nào đó.

Chức năng của xã hội học

Mỗi một môn khoa học đều có một số chức năng nhất định. Chức năng của mỗi môn khoa học được phản ánh ở mối quan hệ và sự tác động qua lại của chính môn khoa học đó với thực tiễn xã hội. Xã hội học có sáu chức năng cơ bản sau đây:
A. Chức năng nhận thức. Xã hội học cũng giống như các môn khoa học khác là trang bị cho người nghiên cứu môn học những tri thức khoa học mới, nhờ đó mà chúng ta có được nhãn quan mới mẻ hơn khi tiếp cận tới các hiện tượng xã hội, sự kiện xã hội và quá trình xã hội vốn rất gần gũi rất quen thuộc quanh chúng ta, và như thế xã hội hiện ra dưới mắt chúng ta sáng rõ hơn mà trước đó chúng ta chưa bao giờ được biết đến hoăc biết đến rất ít.
B. Chức năng tư tưởng. Xã hội học giúp chúng ta nhận thức đầy đủ sức mạnh và vị trí của con người trong hệ thống xã hội, góp phần nâng cao tính tích cực xã hội của cá nhân và hình thành nên tư duy khoa học trong khi xem xét, phân tích, nhận định, dự báo về các sự kiện, hiện tượng và quá trình xã hội.
C. Chức năng dự báo. Trên cơ sở nhận diện được hiện trạng xã hội thực tại và sử dụng các lý thuyết dự báo, các nhà xã hội học sẽ mô tả được triển vọng vận động của xã hội trong tương lai gần cũng như tương lai xa hơn. Dự báo xã hội là một thế mạnh của xã hội học. Có thể nói trong tất cả các môn khoa học xã hội thì xã hội học có chức năng dự báo mạnh nhất và hiệu qủa nhất.
D. Chức năng quản lý. Trước hết cần phải nói rõ ngay rằng xã hội học không phải là khoa học quản lý, nhưng có một điều chắc chắn rằng tất cả các hoạt động quản lý kể cả quản lý kinh tế, hành chính hay nhân sự chỉ trở nên tối ưu khi mà biết sử dụng tốt các kết luận, nhận định và dự báo của xã hội học.
E. Chức năng công cụ. Các phương pháp, các kỹ thuật thao tác, các cách thức tiếp cận xã hội của xã hội học được các ngành khoa học khác nhau cũng như các lĩnh vực khác nhau của kinh tế, chính trị, văn hóa,... sử dụng như một công cụ hữu ích và hết sức cần thiết trong quá trình hoạt động. Chúng ta có thể thấy rõ điều đó qua các cuộc thăm dò dư luận xã hội trước các cuộc tranh cử, hay các phương pháp điều tra của xã hội học được ứng dụng vào việc thăm dò nhu cầu, thị hiếu khách hàng trong marketing. Do vậy "xã hội học sẽ làm một công cụ hữu hiệu để cho con người có thể xây dựng cho mình một xã hội tốt đẹp hơn ".
F. Chức năng cải tạo thực tiễn. Xã hội học không phải nghiên cứu xã hội để biết cho vui mà thực sự nó góp một phần hết sức quan trọng vào việc cải biến hiện thực. Auguste Comte cha đẻ của ngành khoa học này ngay từ lúc sơ khai đã nhấn mạnh chức năng cải tạo xã hội của nó mà ông tóm tắt trong mệnh đề rất nổi tiếng "Biết dự đoán, biết kiểm soát". Còn các nhà xã hội học Anh cũng đã khẳng định "Xã hội học không chỉ đơn thuần là một nghành khoa học lý giải và phân tích đời sống xã hội, mà còn là phương tiện thay đổi xã hội". Các nhà xã hội học cho rằng nếu như họ kém cỏi đến mức không làm được cái gì cả thì chí ít "những dữ liệu của họ cũng thường được sử dụng để xây dựng các chính sách".